TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và thường trực HĐND 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự phiên thảo luận tại Kỳ họp.
Tại Kỳ họp có 23 ý kiến thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh năm 2025.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu với nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là các ý kiến đánh giá mức tăng trưởng kinh tế; đầu tư các công trình, dự án; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, an toàn giao thông ...
Chủ tọa Kỳ họp điều hành phiên thảo luận.
Kinh tế vượt qua khó khăn, tăng trưởng tốt
Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh. Nhiều đại biểu cho rằng, trong năm 2024 trong bối cảnh nhiều yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nền của cơn bão số 3 gây ra nhưng UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Các đại biểu đặc biệt quan tâm và phấn khởi khi 20/20 chỉ tiêu KTXH đạt và vượt kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản phẩm quốc nội GRDP, Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ, Công nghiệp, du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thu ngân sách… Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 9,02% (xếp thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước).
Đại biểu cũng cho rằng, UBND tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, mở rộng không gian, động lực, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Huy động và sử dụng tập trung, có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đưa vào khai thác sử dụng.
Đại biểu phát biểu thảo luận tại Kỳ họp.
Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn tồn tại, hạn chế và nhiều khó khăn tiềm ẩn. Đại biểu Nguyễn Thiện Tuyên, Tổ đại biểu Thành phố Tuyên Quang phát biểu nêu khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quản lý dự án, như công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tài nguyên, khoáng sản, thủ tục đầu tư... dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Đại biểu cũng đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương có việc chưa chặt chẽ; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án của một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa chủ động trong việc điều hành công việc; công tác GPMB chậm, kéo dài... dẫn tới việc các nhà thầu không thể thi công xuyên tuyến, liền tuyến.
Để làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư, cần phải nâng cao công tác tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương; nâng cao công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, chủ động trong việc điều hành công việc.
Đặc biệt công tác chuẩn bị đầu tư phải được nghiên cứu trước, chuẩn bị trước từ những năm trước đảm bảo đạt yêu cầu thì mới đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí kế hoạch vốn sát với thực tế, triển khai được ngay.
Về xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Thị Mỹ Bình, Tổ đại biểu HĐND thành phố Tuyên Quang, nêu sau 23 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt là các xã, thôn đặc biệt khó khăn; bức tranh nông thôn tại các huyện, thành phố của tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS có nhiều thay đổi, đời sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm. Toàn tỉnh đã có 73/121 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới (chiếm 60,3%).
Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu nêu việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các chương trình còn chậm; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có lúc chưa chắt chẽ; một số nội dung của dự án, tiểu dự phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến chậm triển khai; việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn chưa kịp thời, còn phải điều chỉnh kế hoạch vốn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch giao còn thấp.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn của các chương trình, đảm bảo giải ngân hiệu quả các nguồn vốn trong năm theo kế hoạch để phát huy hiệu quả nguồn vốn; kịp thời phân bổ nguồn vốn đối ứng của tỉnh cho các huyện, thành phố thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Đồng thời thực hiện lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia với các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện chương trình; quan tâm đầu tư nguồn lực cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí làm nền tảng để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng bền vững; tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới theo lộ trình trong giai đoạn 2021-2025.
Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu về ý kiến đại biểu nêu.
Cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ
Đại biểu Nguyễn Vũ Linh, Tổ đại biểu huyện Hàm Yên chia sẻ: Hiện toàn tỉnh có 1.924 doanh nghiệp hoạt động có khai thuế, nếu tính riêng số doanh nghiệp thực nộp thuế chỉ còn 1.084 doanh nghiệp, chiếm 48,4% số doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu lấy số lượng doanh nghiệp chia cho dân số của tỉnh, bình quân 1.000 dân, có gần 3 người làm doanh nghiệp (trung bình cả nước là 8,3 doanh nghiệp/1000 dân).
Doanh nghiệp của tỉnh hạn chế cả về số lượng và quy mô đã được đại biểu chỉ ra các nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp còn yếu về quản trị chiến lược, tài chính và nhân sự, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu vốn... cùng với đó yếu tố nội tại kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó về giao đất.
Đại biểu mong muốn tỉnh nhanh chóng hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp lý để quy định, hướng dẫn, tạo hành lang, định hướng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư biết rõ về quy trình, thủ tục...làm cơ sở, căn cứ đề xuất đầu tư, chấp thuận chủ trương, sớm đưa dự án vào hoạt động, tạo niềm tin cho Nhà đầu tư và tăng động lực cho nền kinh tế.
Về chính sách hỗ trợ cho thanh niên, đại biểu Phạm Thị Kiều Trang, Tổ đại biểu huyện Chiêm Hóa cho rằng: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 151 nghìn thanh niên, có 415 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên.
Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, chính phủ, Trung ương Đoàn, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi trong vay vốn. Qua khảo sát thực tế hiện nay, đối với các khoản vay từ dưới 100 triệu đồng đang hỗ trợ chủ yếu cho đối tượng thanh niên thuộc nghèo, cận nghèo để giải quyết việc làm, thực hiện một số mô hình chăn nuôi, trồng cấy nhỏ lẻ; không khuyến khích thanh niên phát triển các mô hình kinh tế lớn hơn hoặc ứng dụng công nghệ cao.
Đối với các khoản vay trên 100 triệu đồng hiện nay gần như không thực hiện được. Để khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế cần có thêm chính sách cho thanh niên vay vốn cần được điều chỉnh linh hoạt và phù hợp với thực tế; cần điều chỉnh cơ chế định giá tài sản gần hơn với thị trường để tăng khả năng vay vốn cho thanh niên.
Các đại biểu dự phiên họp.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh
Việc thực hiện Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát toàn tỉnh, các đại biểu hết sức ghi nhận những kết quả đạt được. Lũy kế từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ xây dựng 6.596 nhà (làm mới 5.767 nhà, sửa chữa 829 nhà) với kinh phí thực hiện 768 tỷ đồng. Một số đại biểu băn khoăn về yêu cầu vốn đối ứng cho các hộ nghèo, cận nghèo để làm nhà, mức hỗ trợ còn thấp.
Về nội dung này đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh lưu ý: Các địa phương cần phải quán triệt rõ, chủ trương của Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát là “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình có người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình khó khăn về nhà ở, với 6.928 hộ thì trước hết bản thân những hộ nghèo cần phải có trách nhiệm chính đối với việc làm nhà của mình.
Các địa phương cần bám sát trên cơ sở danh sách các hộ nghèo cần nói rõ quan điểm, cách thức thực hiện, các hộ phải tự chủ nguồn vốn đối ứng để làm nhà. Việc khắc phục cơn bão số 3 gây ra, tỉnh đã hỗ trợ 255 tỷ. Tỉnh đã phân bổ kịp thời, không hỗ trợ xây dựng các công trình mà hướng đến người dân bị thiệt hại về hỗ trợ làm nhà, lương thực, hỗ trợ sản xuất... thời gian tới tỉnh tiếp tục hỗ trợ khôi phục cải tạo đất. Các địa phương cần công khai nội dung, đối tượng hỗ trợ để nhân dân nắm rõ.
Các ý kiến của đại biểu đã được lãnh đạo các sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường trả lời làm rõ thêm.