Ngành du lịch vẫn thiếu hụt nhân lực chất lượng cao
 
Trong thời kỳ toàn cầu hoá, lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam ngày càng tăng, góp phần tích cực trong sự đi lên của nền kinh tế nước nhà, ngành du lịch đang trong quá trình phục hồi, cho thấy ngành học liên quan đến lĩnh vực này đang có tiềm năng đối với thế hệ sinh viên tiếp theo. Hàng năm cần thêm hàng chục nghìn lao động liên quan đến lĩnh vực du lịch trong khi lượng nhân lực mới tốt nghiệp từ các trường đại học lại chưa đáp ứng đủ.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2023 ước đạt 916.257 lượt tăng 573,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 5 tháng năm 2023 ước đạt 4.599.959 lượt khách, tăng 1.914,4% so với cùng kỳ năm 2022. 

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. 

Ngành Du lịch gồm kinh tế du lịch mang một sứ mệnh quan trọng trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là quá trình xây dựng nền kinh tế mới chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ". Bước vào hội nhập toàn cầu, lĩnh vực du lịch lại càng được nâng lên vị thế cao hơn trong việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới. Trong giai đoạn đời sống người dân ngày càng được nâng cao, các loại hình dịch vụ vì thế cũng ra đời ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu thăng cấp của con người. Đặc biệt, ngành kinh tế du lịch là ngành dịch vụ có thể đáp ứng được toàn bộ mong muốn nhu cầu giải trí, thư giãn. Chính vì vậy, sinh viên theo học có thể sớm gia nhập thị trường lao động, dễ dàng tìm được việc làm và tiếp cận với công việc ngay khi ngồi trên ghế Nhà trường. Mức lương khởi điểm của cử nhân ngành du lịch mới ra trường khá đảm bảo. Ví dụ, ngay cả đối với sinh viên năm cuối đã được các công ty du lịch mời hướng dẫn tour cho đoàn khách  với mức thù lao chi phí khoảng 300-600 nghìn đồng/ngày tùy địa điểm. Thậm chí với những sinh viên giỏi ngoại ngữ, năng động, có kỹ năng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp có thể hưởng mức lương cao hơn rất nhiều so với mức lương cơ bản hiện nay.

Sinh viên Trường Đại học Tân Trào được mời tham gia hướng dẫn tour du lịch ngay từ năm thứ 2,3. 

Mặc dù cơ hội việc làm của ngành du lịch trong xã hội hiện nay là khá lớn. Dự báo tăng trưởng của ngành du lịch trong những năm tới là vô cùng lạc quan. Nhưng sự thiếu hụt về nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản về nghề du lịch, nhân sự có thể làm việc tại các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành, các khu vui chơi giải trí đang khiến nhiều cơ sở đào tạo ngành học trăn trở. Thực tế này đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngành học về du lịch cần có sự điều chỉnh trong phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng cho thị trường nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Trên cơ sở đó, năm 2022, Trường Đại học Tân Trào đã cập nhật, bổ sung thêm các môn học mới vào chương trình đào tạo, đồng thời tăng cường dung lượng các môn tin học, ngoại ngữ, hoạt động thực hành, thực tế... Nhà trường cũng tăng cường ký hợp đồng thỉnh giảng với các chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn để tham gia giảng dạy tại Trường. Với nguồn giảng viên được đào tạo bài bản từ các cơ sở giáo dục uy tín, hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế, các phương pháp giảng dạy thường xuyên được đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả giờ dạy, phù hợp với mọi đối tượng sinh viên và theo sát nhu cầu xã hội.

ThS. Nguyễn Xuân Tình – Chủ tịch HĐQT Công ty Adventrip giảng dạy thực hành Team buidling

Theo định hướng quy hoạch, Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh. Trong đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, gắn với phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hóa và bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh; nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo. Do đó nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bạn có đam mê với ngành nghề này.