9 nhiệm vụ, giải pháp tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025" trong ngành Giáo dục.

9 nhiệm vụ, giải pháp tăng cường năng lực phòng chống ma túy trong trường học - Ảnh 1.

Tổ chức truyền thông phòng, chống ma tuý trong nhà trường - Ảnh: VGP/HG

Kế hoạch nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động triển khai thực hiện tại Quyết định 356/QĐ-BGDĐT ngày 3/2/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” (Quyết định 356/QĐ-BGDĐT); thúc đẩy công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và kỹ năng phòng, chống ma túy (PCMT) cho đội ngũ cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động (gọi chung là nhà giáo) và học sinh, sinh viên (HSSV) trong các cơ sở giáo dục phổ thông; các đại học, học viện; các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm (các nhà trường).

Tạo môi trường và cơ chế hoạt động PCMT, tạo chuyển biến mang tính đột phá về trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tệ nạn ma túy cho đội ngũ nhà giáo và HSSV.

Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tệ nạn ma túy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng, chống ma túy trong Ngành giáo dục; phòng ngừa hiệu quả, làm giảm tội phạm, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Các đơn vị thuộc Bộ, các Sở GD&ĐT, đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm chủ động xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Kế hoạch đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp mà các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan cần tổ chức, triển khai thực hiện.

Đó là thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo (hoặc Tiểu Ban Chỉ đạo) phòng, chống ma túy trong trường học; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo (hoặc Tiểu Ban Chỉ đạo) phòng, chống ma túy trong trường học.

Tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma tuý và công tác phòng, chống ma tuý tại các nhà trường.

Tổ chức truyền thông phòng, chống ma tuý trong nhà trường. 

Xây dựng, triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên. 

Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống ma tuý.

Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý trong các hoạt động giáo dục của các cấp học.

Tăng cường công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội.

Tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

Tăng cường công tác xã hội hóa cùng chung tay phòng, chống ma túy trong trường học.

tiengchuong.chinhphu.vn