SAU MỘT CHUYẾN ĐI
 
Trở về sau một chuyến đi thực tế dài 4 ngày đầy ý nghĩa tại Hà Nội, chúng tôi - những sinh viên năm cuối lớp CĐ Văn - Sử K23 khoa Khoa học cơ bản trường Đại học Tân Trào, tuy có chút mệt mỏi nhưng trong mỗi con người trẻ tuổi ấy đều mang một cảm xúc khó tả, luyến lưu.

Để tìm hiểu thực tế học phần Thực tế văn học và học phần Lịch sử địa phương, lớp Văn-Sử K23 đã có một chuyến đi thực tế tại Hà Nội từ ngày 16-19/1/2018 dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thị Ngọc Hoa và cô Lý Thị Thu. Để chuyến đi có thể diễn ra tốt đẹp, cùng với các giảng viên, tất cả các bạn sinh viên đều tham gia vào công tác chuẩn bị từ việc lên lịch trình,  liên hệ và đặt các dịch vụ vận chuyển, ăn uống, lưu trú, tham quan.  Sau nhiều ngày chuẩn bị, thời gian chúng tôi mong chờ cũng đến, ai nấy đều háo hức cho chuyến đi đã được chờ đợi từ lâu này. Thời tiết Hà Nội se lạnh xen lẫn những cơn mưa bất chợt của mùa đông không làm chùn bước chân của thầy và trò chuyên ngành Văn - Sử trong hành trình thực tế ở Hà Nội.

Trong 4 ngày ở đây, chúng tôi được đi thăm quan nhiều nơi, được lắng nghe nhiều câu chuyện từ bảo tàng Dân tộc học Việt Nam với những di tích của một nền văn hóa đến Hoàng thành Thăng Long được biết đến là quần thể công trình kiến trúc đồ sộ gắn liền với lịch sử, tới bảo tàng Hồ Chí Minh cùng Văn Miếu Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội.

Mỗi điểm đến là một câu chuyện riêng, một bài học riêng để chúng tôi chiêm nghiệm và hiểu hơn về Hà Nội, về cách Hà Nội tạo nên bản sắc cho riêng mình. Đó thực sự là những điều thú vị, những bài học mới mẻ cho chúng tôi.

Đến với bảo tàng dân tộc học, chúng tôi ngỡ ngàng trước một nền văn hóa cổ đại, được kể lại thông qua các cổ vật với niên đại hàng ngàn năm của 54 dân tộc Việt Nam. Trong đó chất chứa biết bao dữ liệu về văn hóa của cả một thời đại, cả một dân tộc.

                                            ( Đoàn thực tế thăm quan Bảo tàng dân tộc học Việt Nam)

Rời bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chúng tôi đến với Hoàng thành Thăng Long để chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử 1.000 năm được khai quật từ lòng đất tại chính khu vực này;  Được tham quan 8 địa điểm tại khu vực trung tâm Hoàng Thành: Cột cờ, Đoan môn, Hậu lâu, Nền điện Kính thiên, Bắc Môn, Nhà D67 và hầm D67, Nhà trưng bày "Hoàng Thành Thăng Long, lịch sử nghìn năm từ lòng đất", Nhà N31 và N32. Chúng tôi đều chung cảm xúc tự hào, xúc động khi được chứng kiến quá trình phát triển của lịch sử dân tộc qua các thời Đại La, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Nguyễn và thời đại Hồ Chí Minh. Sự phát triển này được thể hiện sinh động qua cách trưng bày hiện vật. Đó là các hiện vật tiêu biểu cho lịch sử, loại hình mỹ thuật, gạch, ngói, hoa văn trang trí cung điện, đồ dùng sinh hoạt trong cung đình.

                                             ( Sinh viên thăm quan hoàng thành Thăng Long)

Điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đây là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích Quốc gia đặc biệt, Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học.

                                                   ( Đoàn thực tế thăm quan Văn Miếu- Quốc Tử Giám)

Điểm đến tiếp theo của đoàn là bảo tàng Hồ Chí Minh, bảo tàng vào loại lớn nhất của Việt Nam. Bảo tàng tập trung chủ yếu vào việc trưng bày những hiện vật, tư liệu về cuộc đời và con người Hồ Chí Minh. Nằm trong khu vực có nhiều di tích như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Chùa Một Cột... tạo thành một quần thể các di tích thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.

                                                          (Tượng Bác Hồ trong bảo tàng Hồ Chí Minh)

Điểm đến cuối cùng chúng tôi ghé thăm vườn hoa bãi đá sông Hồng, vườn hoa được bao quanh bởi sông Hồng, tới đây chúng ta có thể ngắm nhìn những luống hoa đầy màu sắc và tận hưởng những cơn gió mát lạnh mang theo mùi phù sa.

Quãng thời gian thực tế tuy ngắn ngủi, nhưng nó như chất keo dính gắn kết chúng tôi lại với nhau để chúng tôi có nhiều thời gian hiểu nhau hơn. Đại học là cuộc sống rộng mở, đôi khi khó có thể gặp nhau. Nhưng qua chuyến đi này, tôi hiểu hơn về tính cách, thói quen của từng người. Nó giúp chúng tôi biết yêu thương, chia sẻ hơn. Chúng tôi đã có những phút giây cùng nhau đùa nghịch, cùng cười nói rôm rả khi trên xe, cùng háo hức trước mỗi điểm đến. Để rồi cùng hạnh phúc sau mỗi cuộc hành trình. Hơn hết tất cả, là chúng tôi là dường như là một, cảm thông và thấu hiểu nhau.

Chúng tôi đã học thế đó, không chỉ trên giảng đường mà còn từ chính những điều mà mình trải nghiệm, nghe thấy, nhìn thấy, và luôn tư duy như một người làm nghề để đặt câu hỏi, tìm câu trả lời hoặc tìm ra những lối mà chưa ai rẽ. Quả thực đây là một chuyến đi ý nghĩa, vô giá trong đời sinh viên với vô vàn điều bổ ích đã được thu đầy trong “túi ba gang” của những sinh viên chuẩn bị rời xa mái trường, cất bước vững vàng trong sự nghiệp.

                                                                                                                         Bài và ảnh: Sinh viên Văn - Sử K23