Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
 
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2022), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912, trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1928, mới 16 tuổi, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, thông qua phong trào "vô sản hoá", đồng chí đã trưởng thành nhanh chóng trong phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam ở vùng mỏ Quảng Ninh.

Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công làm cán bộ hoạt động chuyên nghiệp để gây dựng phong trào.

Tháng 2/1931, trên đường đi công tác ở Cẩm Phả - Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị tòa án thực dân kết án lưu đày tại nhà tù Côn Đảo. Mặc dù bị đày ải, tra tấn, nhưng đồng chí luôn giữ vững ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản, tranh thủ thời gian học hỏi với khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân.

Năm 1936, do áp lực của các cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Đồng chí về Hà Nội liên lạc với Đảng, lập ra "Uỷ ban sáng kiến". Tháng 7/1937, đồng chí tham gia thành lập Xứ uỷ Bắc Kỳ, khôi phục các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ - Trung Kỳ.

 Tại Hội nghị Trung ương mở rộng tháng 9/1937, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Mùa thu năm 1938, đồng chí cùng với Thường vụ Trung ương Đảng ta trực tiếp đấu tranh quyết liệt chống lại Tờ-rốt-kít và tiến hành tự phê bình và phê bình trong Đảng. Nhằm chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, với bút danh Trí Cường, đồng chí đã viết tác phẩm nổi tiếng “Tự chỉ trích” để làm tài liệu đấu tranh phê bình, góp phần to lớn vào củng cố, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo đưa Đảng rút vào hoạt động bí mật và tích cực chuẩn bị cho việc chuyển hướng chiến lược cách mạng.

Tháng 11/1939, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 6, cùng Trung ương Đảng bàn và ra nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ vận động giải phóng dân tộc.

Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới, thì ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt. Ngày 28/8/1941, chúng đã đưa đồng chí ra xử bắn tại Ngã ba Giồng (Hóc Môn-Gia Định). Trước họng súng của quân thù, đồng chí đã hiên ngang không cho chúng bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”.

Với 29 tuổi, hơn mười ba năm tham gia cách mạng, bảy năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng và dân tộc ta là rất to lớn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược về lý luận xây dựng Đảng, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng.

Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức và sinh viên Nhà trường tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, đồng thời, nỗ lực thi đua học tập, lao động sáng  tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.