TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Trần thuật học hiện đại là lãnh địa khoa học cực kì rộng lớn, nó nghiên cứu khu vực phát ngôn (diễn ngôn) có tính truyện kể – trần thuật gắn với việc tổ chức một câu chuyện nào đó (câu chuyện, mẹo luật)[1]. Ở đây, vấn đề không giới hạn ở các văn bản nghệ thuật và thậm chí không chỉ ở các văn bản bằng lời: nhờ sự nỗ lực của các nhà lịch sử học, triết học, văn hoá học, phạm trù tính trần thuật được áp dụng rộng rãi và có nội dung giàu tính khoa học. Đặc biệt, cần phải ghi nhận vai trò của nhà triết học Paul Ricoeur, nhà sử học Hayden White, nhà nghiên cứu văn học Wolf Schmid, những người góp phần tạo nên diện mạo hiện nay và xu hướng nghiên cứu của trần thuật học.
Khái niệm “trần thuật học” bắt đầu được sử dụng rộng rãi sau khi xuất hiện hàng loạt công trình mang tính cách tân của Roland Barthes, Claude Bremond, Tzvetan Todorov, nhất là sau khi cuốn Grammairedu Decameron của Todorov được công bố (1969), dù với tư cách là một lĩnh vực của nghiên cứu văn học, trần thuật học từng có lịch sử rất lâu đời (trong truyền thống Nga, đó là các công trình của A.N.Veselopski, V.Ja.Propp, B.V. Tomasepski, O.M. Freidenberg, M.Bakhtin, trong khu vực tiếng Đức - O. Ludwig, K.Friedman, K. Hamburger, F.K. Stanzel, V. Kaiser, G. Müller, và khu vực tiếng Anh – P. Lubbock, N. Friedman, C. Brooks, R.P. Warren…). Tuy nhiên, đối tượng của bộ môn khoa học này và, theo đó, vị thế tri thức hiện tại của nó chưa thể nói là đã hoàn toàn được xác quyết.
Chẳng hạn, ngay cả phạm trù “trần thuật” cũng được giải thích mỗi người một phách. Nhân vật góp phần mở ra thời kì bành trướng của trần thuật học sang lĩnh vực khoa học lịch sử, Arthur Danto, quy trần thuật về tận “câu trần thuật” ở thể trần thuật thời quá khứ. Nhà trần thuật học hiện đại mẫu mực H. White lại mở rộng đáng kể khái niệm “cấu trúc trần thuật” (nhất là cấu trúc trần thuật của diễn ngôn lịch sử học) bằng cách đưa vào đó cả mẹo mực[2] trần thuật: “Tổ chức mẹo mực là tạo ra ý nghĩa cho câu chuyện bằng cách dùng trần thuật nối kết các bộ phận hợp thành của nó vào một hình thức bao quát hay cổ mẫu duy nhất”[3]. Cuối cùng, cách hiểu rộng nhất và, rõ ràng, mở rộng tới mứ thái quá, là cách hiểu của A.J. Greimas và J. Courtes, theo đó, trần thuật là “nguyên tắc tổ chức của mọi loại diễn ngôn”, chứ không phải chỉ riêng của diễn ngôn “tạo hình”[4].
Nếu chấp nhận xem xét các phát ngôn trần thuật như là phương thức kiến tạo văn bản thông dụng, nhưng cũng mang tính đặc thù, thì vai trò quyết định ở đây là tính sự kiện kép của trần thuật: “Trước mắt ta,- M.M. Bakhtin viết,- có hai sự kiện: sự kiện được kể lại trong tác phẩm và sự kiện của bản thân việc kể chuyện (chính chúng ta tham gia vào loại sự kiện thứ hai này như những thính giả – độc giả); các sự kiện này diễn ra ở những thời điểm khác nhau (khác nhau cả về độ dài) và ở những địa điểm khác nhau, nhưng đồng thời, chúng liên kết chặt chẽ thành một sự kiện duy nhất, phức tạp mà chúng ta gọi là tác phẩm với tất cả sự toàn vẹn mang tính sự kiện của của nó <…> Chúng ta tiếp nhận sự toàn vẹn ấy trong chỉnh thể và tính rắn chắc của nó, đồng thời chúng ta nhận ra toàn bộ sự khác biệt ở các yếu tố cấu thành của nó”[5].
Ý kiến của M. Bakhtin mà chúng tôi vừa dẫn ra được phát biểu vào những năm 70 của thế kỉ trước. Vào thời gian này, ở Tây Âu xuất hiện hàng loạt công trình trần thuật học hiện đại mẫu mực của L. Doležal, G. Genette, G. Prince, W. Schmid… Trong cuốn Diễn ngôn trần thuật xuất bản năm 1972, Gérard Genette viết rằng, trần thuật “có thể tồn tại vì nó kể một câu chuyện nào đó mà nếu không có thì diễn ngôn sẽ không còn là diễn ngôn trần thuật <…> Với tư cách trần thuật, sự trần thuật tồn tại nhờ mối liên hệ với câu chuyện được triển khai trong đó (sự kiện được thuật lại), với tư cách diễn ngôn (sự kiện kể chuyện), nó tồn tại nhờ mối liên hệ với sự trần thuật đã tạo ra diễn ngôn ấy”[6].
Có thể gói lại vấn đề trung tâm của trần thuật học bằng ý kiến sau đây của A.C. Danto: “Mọi truyện kể đều là cấu trúc nối kết các sự kiện, nhóm chúng lại với nhau và gạt bỏ những sự kiện không cần thiết”[7]. Diễn đạt theo Kathy Friedemann, có thể nói, khái niệm tính trần thuật bắt nguồn từ “giả định nhận thức luận được thừa nhận trong triết học Kant, rằng chúng ta chiếm lĩnh được cái thế giới không giống như bản thân nó vẫn tồn tại, mà là thế giới đã lọc qua một trí tuệ suy nghiệm nào đó”[8]. Không thể chiếm lĩnh được tri thức trực tiếp về các sự kiện như nó vốn có (đã có). Giữa sự kiện và nhận thức của chúng ta bao giờ cũng có một thứ tựa như lăng kính của hành vi giao tiếp bằng lời, một môi trường giao tiếp làm khúc xạ sự diễn đạt (ngay cả khi đó mới chỉ là sự diễn đạt tiềm ẩn một sự kiện nào đó vừa nẩy sinh ở hình thức phi diễn ngôn của lời nói bên trong dành cho một thính giả tiềm ẩn).
Muốn minh định vị thế khoa học của bộ môn nghiên cứu bản chất giao tiếp của việc chiếm lĩnh sự kiện theo kiểu kiến tạo văn bản, cần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa trần thuật học với thi pháp học và tu từ học.
I.Từ thi pháp học đến tu từ học
Ở thời cổ đại, thi pháp học và tu từ học là hai lĩnh vực tri thức độc lập. Lại nữa, đó không hẳn chỉ là tri thức (épistémè), mà còn là kĩ năng thủ công, kiểu như lí thuyết biện chứng, hay chính trị học. Ai cũng biết, trong trật tự đó, thi pháp học là nghệ thuật của lời nói thi ca, tu từ học là nghệ thuật của lời nói hùng biện.
Ở thế kỉ XIX, sau khi khoa ngữ văn học xuất hiện (nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học), rồi đến thế kỉ XX, sau khi kí hiệu học tách khỏi ngữ văn học và tu từ học – giờ đây với tư cách là loại khoa học nhân văn hiện đại – được hồi sinh trên nền tảng kí hiệu học, thì tình thế đã hoàn toàn tay đổi.
Tu từ học hiện đại (dù có rất nhiều ý kiến khác nhau) là lí thuyết phổ quát, được diễn giải theo nhiều cách, về những phát ngôn như là sự tương tác trong giao tiếp của con người. Từ nay, nó có trách nhiệm “nghiên cứu sự ngộ nhận giữa người với người, tìm cách đề phòng và tránh những thất thiệt trong quá trình giao tiếp”[9]. Giờ đây, văn bản được nghiên cứu như một cơ thể kí hiệu của diễn ngôn, đến lượt mình, diễn ngôn được diễn giải như “một sự kiện giao tiếp” (van Dijk) diễn ra giữa chủ thể, đối tượng biểu đạt và người tiếp nhận phát ngôn. Nhiệm vụ của phân tích văn bản từ góc độ tu từ (hay “diễn ngôn”) là “xác định xem hành vi lời nói diễn ra trong đó là thế nào”[10]. Với ý nghĩa như thế, tân tu từ học hoàn toàn đủ cơ sở để nhắm tới vị trí của một bộ môn khoa học nền móng mang ý nghĩa phương pháp luận đối với tổng thể các khoa học nhân văn có quan hệ với các văn bản phát ngôn thuộc đủ mọi chủng loại.
M.M. Bakhtin, người từng viết Vấn đề thể loại lời nói ngay từ đầu những năm năm mươi (1953), là nhân vật tiên khu tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của “tân tu từ học” ở các nước phương Tây[11]. “Siêu ngôn ngữ học” của ông chính là một trong những tên gọi của tân tu từ học hiện đại. Khác với tu từ học cổ điển, loại tu từ học độc lập với thi pháp học, Bakhtin và các thế hệ sau này xem mọi thể loại văn học đều đứng chung trong cùng một hàng lối với “các loại hình phát ngôn tương đối bền vững”, những loại hình phát ngôn này do “từng lĩnh vực sử dụng ngôn ngữ” sáng tạo ra và chúng chịu sự quy định của “đặc thù từng phạm vi giao tiếp nào đó”[12].
M. Bakhtin không chỉ xếp “lời đối đáp trong đối thoại sinh hoạt”, hay “lối viết (trong mọi hình thức đa dạng của nó)”, mà còn xếp cả một “thế giới của lời phát biểu chính luận muôn hình vạn trạng <…>, các hình thức thuyết trình khoa học phong phú và mọi thể loại văn học (từ một câu ngạn ngữ cho tới bộ tiểu thuyết nhiều tập)” vào đối tượng nhận thức của siêu ngôn ngữ học. Ông nhận thấy rằng “vấn đề thể loại lời nói chưa bao giờ được đặt ra một cách thực sự. Phần lớn, người ta chỉ nghiên cứu các thể loại văn học. Tuy nhiên, bắt đầu từ thời cổ đại cho tới tận bây giờ, chúng chỉ được nghiên cứu ở bình diện đặc trưng văn học – nghệ thuật, trong sự loại biệt mang tính đặc thù giữa chúng với nhau (trong phạm vi của văn học), chứ chưa được nghiên cứu như những dạng phát ngôn nào đó, tuy khác biệt với các loại phát ngôn khác, nhưng có chung <…> một bản chất với chúng” (5, 160).
Hiển nhiên là trên bức tranh thu nhỏ hoàn toàn mới mẻ miêu tả việc “nghiên cứu bản chất của phát ngôn và các hình thức thể loại phát ngôn đa dạng trong muôn vàn phạm vi hoạt động của con người” kia, thi pháp học không mang tính độc lập như ở thời Aristotle, mà chỉ còn là một lĩnh vực tri thức tự trị. Là lí thuyết chuyên ngành về diễn ngôn nghệ thuật – với toàn bộ đặc trưng ở đối tượng của nó – thi pháp tất yếu trở thành bộ phận cấu thành của lí thuyết chung về phát ngôn (tân tu từ học), tức là loại lí thuyết cần dành một phần chú ý không nhỏ cho việc nghiên cứu đặc trưng của các diễn ngôn khoa học, tôn giáo và chính trị…
Theo định nghĩa rất mẫu mực của G. Genette, thực chất, trần thuật là “hành vi sản sinh tác phẩm trần thuật” mà nếu thiếu đi thì sẽ không thể có phát ngôn trần thuật, thậm chí, không thể có nội dung trần thuật”[13]. Sự phân định ranh giới ba bình diện trần thuật như thế hoàn toàn phù hợp với việc tách hành động “nắm bắt” trong ý đồ ra khỏi bản thân sự “nắm bắt”, cũng như “đối tượng được nắm bắt” theo quan điểm của hiện tượng luận[14]. Có thể nói, trần thuật là ý đồ đặc biệt của chủ thể diễn ngôn nói hoặc viết. Ý đồ trần thuật của phát ngôn nằm ở sự nối kết hai sự kiện – sự kiện được tham chiếu (được trông thấy, được chứng kiến) và sự kiện giao tiếp (bản thân sự chứng kiên như một sự kiện) – vào một khối thống nhất củatác phẩm nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, hay chính luận trong, diễn đạt theo cách của Bakhtin, sự viên mãn sự kiện của nó. Trong khi đó, cả sự kiện thứ nhất (biến cố của câu chuyện), lẫn sự kiện thứ hai (lời kiến tạo văn bản của một hình thức kết cấu nào đó) tự chúng – nếu không nhờ vào hành động trần thuật[15] – hoàn toàn không đủ điều kiện để trở thành sự kiện nghệ thuật hay sự kiện tôn giáo…
Với tư cách như thế, trần thuật không tạo thành đặc thù của thể loại văn học nào đó, và do đó, không thể quy trần thuật học thành một bình diện của thi pháp học, nơi trần thuật chỉ được phân tích như là một trong số các hình thức kết cấu của văn bản nghệ thuật. Đối tượng nghiên cứu của trần thuật học có thể bao gồm mọi tổ hợp kí hiệu – không chỉ kí hiệu nghệ thuật, thậm chí, không chỉ kí hiệu bằng lời – thể hiện tính chất không thể trộn lẫn và không thể chia tách của hai sự kiện: sự kiện được tham chiếu (một câu chuyện, hay một tình tiết nào đó) và sự kiện giao tiếp (diễn ngôn về câu chuyện ấy). Với ý nghĩa như thế, không chỉ tiểu thuyết (với hệ thống sự kiện nhân quả được hư cấu, “bịa đặt”), mà cả tác phẩm của nhà lịch sử học, nơi có hàng loạt sự kiện xác thực được biểu đạt, cũng mang tính trần thuật. Điêu khắc (Laokoon là trường hợp tiêu biểu), thậm chí cả âm nhạc (opera, hoặc múa ballet) cũng có thể trần thuật, vì bản thân trần thuật không phải là tác phẩm trần thuật (tức là hình thức kết cấu của tác phẩm khác với sự miêu tả, nghị luận, hoặc những lời đối đáp hội thoại), nó là cấu hình tạo sinh văn bản của hai chuỗi sự kiện: sự kiện được tham chiếu và sự kiện giao tiếp.
Tính trần thuật là một trong những phương thức tu từ phổ quát, muốn minh định bản chất của nó, cần chỉ ra các hiện tượng giáp ranh với nó, tức là những phương thức phát ngôn khác (phương thức kiến tạo văn bản). Một mặt, cần phân biệt diễn ngôn trần thuật sự kiện lưỡng diện với những phát ngôn mà ở đó tính sự kiện ở đối tượng được tham chiếu bị giảm thiểu. Mặt khác, các văn bản mà nội dung đối tượng được tham chiếu của chúng không có được vị thế của sự kiện trong hành vi của ý đồ diễn ngôn cũng không nằm trong phạm vi đối tượng của trần thuật học.
Nhược hoá tính sự kiện của đối tượng được tham chiếu là đặc điểm của các phát ngôn diễn xướng[16]. Là hành động trực tiếp bằng lời nói, những phát ngôn này không thông tin về hành động, mà là các diễn ngôn tự biểu đạt. Đó là khu vực rộng lớn của các thể loại lời nói trần thuật, từ niệm chú, tuyên thệ, đặt tên, khoác lác, mắng nhiếc, sỉ nhục hay khen tụng, cho tới ngâm khúc, hiệu triệu và cầu khấn.
Ý đồ trần thuật trái ngược là “nắm bắt” theo kiểu ghi nhận nội dung của đối tượng được biểu đạt bằng cách mô tả, bình luận, hoặc đồng nhất. Chúng ta thường xuyên bắt gặp sự tồn tại của mô tả, bình luận bên cạnh trần thật trong các văn bản trần thuật[17]. Nhưng ở đây, chúng chỉ là những bộ phận phụ trợ khiến một diễn ngôn nào đó trở nên phức tạp hơn, đa dạng hơn, chỉ là những ốc đảo được bao bọc trong giòng trần thuật. Nhân tố kiến tạo văn bản giữ vai trò chủ đạo trong việc ghi nhận thuộc về những phát ngôntrình bày[18], nơi tính sự kiện ở nội dung của cái được tham chiếu trong lời nói bị xoá bỏ, nhưng thay vào đó là tính ổn định và tính quy luật của các trạng thái và tiến trình tự nhiên (thiên nhiên) hoặc điển chế (văn hoá). Chức năng của cái được tham chiếu ở diễn ngôn trình bày mang tính ngoại sử, đó là “đời sống được quy về các hành vi nguyên mẫu điệp đi điệp lai, tức là các phạm trù, chứ không phải là các sự kiện”[19].
Theo phương thức tu từ, những diễn ngôn như thế là diễn ngôn “lí thuyết”, vì đó là sự phổ quát hoá các tiến trình, hoặc các trạng thái, về phương diện ý đồ, chúng thực chất là những diễn ngôn tự giao tiếp. Chúng chỉ ngoại quan hoá các tiến trình hoạt động tư duy ở bên trong của một chủ thể nào đó. Vì vấn đề ở đây là chuyện diễn ngôn, nên tất phải nói về sự định hướng nhắm tới người tiếp nhận tiềm năng, nhưng chỉ ở mức độ tối thiểu. Nếu trần thuật nhằm tới mục đích làm thế nào để biến người tiếp nhận thành người chứng kiến một sự kiện trung gian nào đó, còn diễn xướng lại nhắm vào mục đích biến người tiếp nhận thành người tham gia giao tiếp một cách trực tiếp, thì sẽ không cần phải có sự ghi nhận theo kiểu trình bày. Hành vi giao tiếp thông tin cho ai đó những khái quát hợp quy luật là hành vi tuỳ thích trong tương quan với nội dung tham chiếu của chúng, trong khí đó, các bình diện tham chiếu và giao tiếp của trần thuật lại bổ sung qua lại cho nhau.
Loại phát ngôn trình bày không chỉ thuộc về các lĩnh vực văn hoá, ví như khoa học, hay triết học, hoặc tôn giáo. “Hình thức tiền trần thuật” của huyền thoại cổ xưa – huyền thoại mà theo O.M. Freidenberg “là tất tật: là tư tưởng, sự vật, là hành động, bản thể, là lời nói - chính là hình thức đồng nhất, thế mà trần thuật giữ lại “toàn bộ tài sản xưa kia của huyền thoại”, biến nó thành “nhân vật, kịch bản, truyện kể, nhưng không biến thành một bản chất “vật thể” (quảng tính) và “hữu hình” bất tử cùng con người”. Là hình thức trực tiếp của tồn tại nhân sinh, bản chất huyền thoại cần được đốn ngộ, chứ không cần kể chuyện về nó. Cho nên, chưa bao giờ từng có và chưa bao giờ có thể có các huyền thoại – trần thuật”[20]. Huyền thoại ra đời là nhờ ở sự kết tinh của kinh nghiệm cá nhân (trong đó có sự tác động qua lại với tự nhiên) như một hiện tượng văn hoá.
Rốt cuộc, phương thức tu từ mà chúng ta quan tâm có ba nội dung diễn ngôn nổi bật: hành động (phương thức diễn xướng), tư duy khái quát (phương thức trình bày) hay là tích luỹ kinh nghiệm, kí ức sự kiện (phương thức trần thuật). Tất nhiên, các nội dung ấy xuyên thấm vào nhau. Vì thế bản thân các phương thức tu từ chung của việc sản sinh văn bản không có đường ranh giới tuyệt đối. Bên cạnh loại trần thuật sự kiện “đơn nhất ” thuần tuý, diễn ngôn trần thuật có thể dung nạp cả trần thuật “trình bày ”[21], lẫn các hình thức diễn xướng của siêu trần thuật tự tham chiếu. Tính chất trình bày của phát ngôn khoa học tuyệt nhiên không cản trở việc sử dụng hai phương thức tu từ khác (nhất là phương thức trần thuật) v.v…
Cái quyết định đặc trưng của diễn ngôn nghệ thuật (phát ngôn nghệ thuật trong một thể loại văn học nào đó) không phải là những phương thức tu từ mà phương thức nào trong đó cũng có thể phát huy tính nghệ thuật. Đặc trưng ấy do thuật cấu hình của sự kiện được tham chiếu quyết định. Theo Bakhtin, hình thức thuật cấu hình[22] của tính nghệ thuật là sự “nén chắc giá trị” nhằm hiện thực hoá tính hoàn kết chỉnh thể của một thế giới tưởng tượng xung quanh cái “tôi” nhân vật (với tác giả, đó là người khác của mình) như là trung tâm giá trị của thế giới ấy[23]. Hình thức thuật cấu hình của sự kiện linh thiêng (trong văn bản tôn giáo) hay văn bản lịch sử (trong công trình nghiên cứu lịch sử), hoặc chính trị (trên các phương tiện truyền thông đại chúng) hoàn toàn không giống như thế, nhưng ngay ở đó vẫn có sự hiện diện của chúng, tạo thành cơ sở làm nên tính độc đáo của các “cương lĩnh giao tiếp” khác nhau của văn hoá. Đặc biệt, bản thân “phẩm chất lịch sử của lịch sử học”, nói như Ricoeur, được tạo ra bởi “xu hướng đạo đức mới” hết sức đặc biệt (“tính chủ ý của nhận thức lịch sử”), xu hướng này thực hiện bước chuyển dịch từ “các cấu trúc tiền trần thuật của hành động thực tế” sang cấu trúc lưỡng cực của thao tác cấu hình truyện kể”[24]. Trong khi đó, “kinh nghiệm tưởng tượng về tồn tại trong thế giới” bao giờ cũng xuất hiện trước diễn ngôn nghệ thuật”[25].
Theo quan niệm của M. Bakhtin, mọi thể loại lời nói đều là “hình thức điển hình của phát ngôn”, hình thức ấy tương ứng với các tình huống điển hình của giao tiếp lời nói” – “về chủ đề, về kết cấu, về phong cách” (5, 191). Trong khuôn khổ thống nhất về mặt thể loại ấy ở các phương diện diễn ngôn, hình thức thuật cấu hình của nội dung được ham chiếu (chủ đề) của trần thuật chẳng những không đồng nhất, mà còn không thể chia tách với các đặc điểm kết cấu – phong cách của sự triển khai hệ chủ đề của các phát ngôn. Chẳng hạn, theo sự khẳng định của Ricoeur, “câu chuyện có tính sự kiện chỉ có thể là câu chuyện – truyện kể”; “nếu không đánh mất thuộc tính của câu chuyện, thì câu chuyện không thể cắt đứt bất kì mối liện hệ nào với truyện kể”[26].
Vì vậy, cả việc tách trần thuật học ra khỏi thi pháp học truyện kể, hay thi pháp học trần thuật, lẫn việc quy trần thuật học về thi pháp học truyện kể, hay thi pháp học trần thuật đều không phải là việc làm hiệu quả.Khách thể (objet) của trần thuật học là không gian văn hoá do các văn bản thuộc về một phương thức tu từ nào đó tạo thành, còn đối tượng (sujet) chiếm lĩnh của nó là chiến lược giao tiếp và thực tiễn diễn ngôn của ý đồ trần thuật. Tuy nhiên, trở thành bộ phận cấu thành của trần thuật học, cả lí thuyết truyện kể văn học, lẫn lí thuyết trần thuật văn học đều không mất đi đặc trưng và ý nghĩa cấp thiết của mình. Ngược lại, kinh nghiệm nghiên cứu thi pháp thể loại, thi pháp truyện kể, trần thuật vô cùng phong phú của khoa học văn học, khi được mở rộng sang các văn bản trần thuật phi nghệ thuật sẽ mở ra trước các nhà nghiên cứu (và trước tu từ học hiện đại nói chung) những khả năng phát hiện mới