Một sớm ở chợ quê Lăng Can
 
Hít một hơi thật sâu không khí trong lành trong buổi sáng chủ nhật mờ sương tại chợ phiên của xã Lăng Can huyện Lâm Bình, tôi cảm thấy khoẻ khoắn hẳn lên, như vừa hít vào tinh hoa của núi rừng vậy.

Mới mờ sáng, trên các nẻo đường từng đoàn người già có, trẻ có kéo về khu chợ cùng với địu hàng trên lưng, khuôn mặt vô cùng vui tươi và phấn khởi. Chỉ 20 phút sau, chợ đã tấp nập người mua, kẻ bán, hai bên cổng chợ là các bà, các chị ngồi bán những mớ rau rừng tươi mơn mởn. Cơ man nào là rau rừng: rau dớn, rau giảo cổ lam, rau bò khai, rau hôi, ngọn gấc, ngọn bí... xanh cả hai bên cổng chợ. Xen kẽ các hàng rau là các cô, các bà bán bánh chưng, bánh chuối, bánh dợm... - toàn là những loại bánh thân thuộc - mà mỗi người khi đi đến chợ là phải mua vài cặp bánh đem về.

Các đồ gia dụng bán trong chợ

Các loại cây và rau rừng

Đang đứng quan sát thì tôi bị bà lão bên cạnh gọi “Mua ốc rừng cho bà với, hôm qua bà vừa mới nhặt được, mùa này mưa nhiều nên có ít lắm”. Trước mặt tôi là một túi ốc con nào con nấy to như ngón chân cái, thân đen lẫn các đường vằn màu vàng, quả thực chưa thấy bao giờ, thấy chúng tôi tò mò bà liền nhanh nhảu nói “Đây là ốc rừng, bà nhặt trong các khe đá toàn là những con to béo nhất đấy! Lấy về, hấp sả hay nấu chuối thì ngon lắm...”.

Ốc rừng

Bỗng có cảm giác gì đó “lổm nhổm” cạnh ngón chân khiến tôi suýt hét toáng, thì ra là mấy chú cua đá bị buộc thành từng xâu đang cựa quậy trong lưới, chị bán hàng nhìn tôi cười “Mua cua đá không em, cua to mà ngọt thịt lắm”. Tại gian hàng bán thuốc nam, bà Phúc người Dao kể: Tất cả các thuốc được bày bán ở đây đều do bà tự vào rừng tìm rồi kê thành các thang thuốc cho từng loại bệnh như thuốc chữa dạ dày, thuốc đau răng, đau lưng, an thai, thuốc bổ... Bà còn cho số điện thoại và địa chỉ để giúp chúng tôi nếu cần mua thêm.

Cua đá

Bà Phúc tư vấn thuốc nam

Gây ấn tượng đặc biệt là các gian hàng bán vải thổ cẩm. Cầm chiếc yếm trên tay tôi phải trầm trồ trước sự tỉ mỉ của từng hoạ tiết hoa văn được thêu thủ công bằng tay của người dân nơi đây, trang phục dân tộc quả là một nét truyền thống vô cùng tốt đẹp mà người dân Lâm Bình đang giữ gìn rất tốt. Phía sâu trong chợ nữa là các gian hàng thịt, hàng cá, hoa quả và nhiều sản vật lạ của núi rừng, chợ tuy không lớn nhưng nhìn ai nấy cũng vui vẻ niềm nở.

Ngày chợ, người ta đến chợ để buôn bán và trao đổi, hỏi thăm, kể chuyện nhà... Mấy bà lão bán rau thì chia nhau vài miếng trầu, các bác ngồi hàng gia dụng thì cùng nhau châm điếu thuốc lào, mấy chị bán quả lại cùng chia nhau ăn gói xôi buổi sáng.

Các loại bánh bán trong chợ

Thân thương và vô cùng bình dị, chợ quê Lăng Can như một mái nhà chung của đồng bào dân tộc nơi đây, tuy nhỏ bé nhưng lại rất đoàn kết và ấm cúng.

Tác giả: Thảo My - Lớp Văn Truyền thông K3