Phát triển công nghiệp văn hóa
 
Sau gần 3 năm kể từ Hội nghị văn hóa toàn quốc, tại kỳ họp thứ bảy, tờ trình và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 đã được Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến, trong đó câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa được nhiều người luận bàn. Công nghiệp văn hóa hiện vẫn là khái niệm mới và khó, nhiều địa phương còn có cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc mặc dù có rất nhiều dư địa, nhưng phát triển chưa như mong muốn.

Cơ hội vàng

Hai đêm diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink vào cuối tháng 7-2023 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã bán ra 67.443 vé, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tổng doanh thu mang về gần 13,7 triệu USD, tương đương hơn 331 tỷ đồng. Điều khiến những người đau đáu với văn hóa nước nhà kinh ngạc không chỉ bởi các con số biết nói, mà là những câu chuyện liên quan đến nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc trở thành tiêu điểm. Cụ thể có khoảng 5.990.000 kết quả tìm kiếm trên Google.

Đoàn phim Đi về miền huyền thoại tại Hồng Thái Na Hang.  Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 nêu rõ bảy mục tiêu tổng quát, chín nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và chín nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035. Chương trình này đặt mục tiêu phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 8% vào GDP của cả nước; có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7%.

Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), doanh thu toàn cầu hằng năm của các ngành công nghiệp văn hóa vào khoảng 2.250 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 250 tỷ USD. Lĩnh vực này cũng cung cấp gần 30 triệu việc làm trên toàn thế giới và tuyển dụng số lượng lao động trong độ tuổi 15 - 29 nhiều hơn bất kỳ ngành nghề nào khác.

Quay trở lại Hàn Quốc, doanh thu từ công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đạt khoảng 120 tỷ USD/năm, trong đó, xuất khẩu văn hóa chiếm tới hơn 12 tỷ USD, vượt qua các mặt hàng sản xuất dẫn đầu như thiết bị gia dụng, xe điện và màn hình hiển thị...

Không xa Tuyên Quang, tỉnh Hà Giang được đánh giá là một trong những địa phương phát triển công nghiệp văn hóa tương đối nhanh và có hiệu quả. Từ những bộ phim điện ảnh như Chuyện của Pao, phim truyền hình như Lặng yên dưới vực sâu, Tết ở làng địa ngục… những địa danh lạ lẫm của Hà Giang ngay lập tức thu hút rất đông khách du lịch và trở thành địa điểm “nhất định phải đến”. Qua đó, thúc đẩy du lịch của địa phương này vượt xa các tỉnh nằm cùng khu vực.

Tuyên Quang đang ở đâu?

Tuyên Quang có nhiều dư địa để phát triển công nghiệp văn hóa, dựa trên những lợi thế sẵn có từ cảnh quan thiên nhiên, lịch sử và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Thành Tuyên là một trong những sản phẩm du lịch, văn hóa, giải trí độc đáo bậc nhất và cũng là sản phẩm có tiềm năng nhất của Tuyên Quang trong cuộc đua phát triển công nghiệp văn hóa. Sau nhiều năm tổ chức, nhận thấy tiềm năng của sản phẩm này, tỉnh Tuyên Quang đã từng bước nâng cấp lễ hội trở thành lễ hội cấp tỉnh, cấp quốc gia và tiến tới quốc tế với việc thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025. Phó GS. TS Nguyễn Thụy Loan, nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam từng khẳng định, Lễ hội Thành Tuyên là một lễ hội đặc biệt và rất hấp dẫn, không chỉ con trẻ thích thú mà những người lớn tuổi còn phải chạy theo những mô hình độc đáo, mới lạ. Có thể nói, cách tổ chức Tết Trung thu ở Tuyên Quang rất độc đáo, sáng tạo, xem mãi vẫn không biết chán. Các mô hình là tâm huyết của một tập thể dân cư, cộng đồng, trẻ em vẫn là trung tâm của lễ hội. Trong lễ hội vui nhộn thì tinh thần đoàn kết giữa người dân các tổ đã được gắn kết, phát triển thể hiện qua sự chung sức, đồng lòng làm nên các mô hình đèn Trung thu đẹp đẽ, đáng nhớ.

Trong thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên, tỉnh Tuyên Quang đã đồng thời khai mạc Lễ hội cùng với việc tổ chức nhiều chương trình lớn liên quan đến du lịch như Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, “Liên hoan các Làng văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc”, “Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang”…

Tuyên Quang cũng đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các sản phẩm du lịch, không gian phát triển du lịch đã được mở rộng có trọng tâm, trọng điểm như VinGroup, Flamingo. Ngay như tại Sơn Dương, một địa phương có truyền thống và tiềm năng cho phát triển công nghiệp văn hóa từ chính thế mạnh của mình, thời gian này cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, như Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào do Tập đoàn Flamingo thực hiện; Dự án Khu du lịch lâm viên Hồ Hoa Lũng; dự án ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 quảng  bá hình ảnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào…

Đạo diễn Lương Đình Dũng và đoàn đi khảo sát cảnh quay bộ phim Anh hùng tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang). 
 Ảnh: Quang hòa

Một số sản phẩm và loại hình du lịch mới đã được đưa vào khai thác thu hút được lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống được tổ chức hiệu quả tại các địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị và các trung tâm du lịch Tuyên Quang thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ấn tượng mới cho thương hiệu du lịch địa phương. Năm 2023, tỉnh thu hút được trên 2,65 triệu lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, lĩnh vực điện ảnh cũng có nhiều khởi sắc khi thời gian qua, nhiều đoàn phim trong và ngoài nước đã đến Tuyên Quang lấy bối cảnh và cốt truyện văn hóa, con người, đời sống lao động sản xuất nơi đây làm tư liệu để sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại như phim truyện, phim tư liệu, phim khoa học. Như đoàn phim Đi về miền huyền thoại, hay tới đây là đoàn phim Anh hùng của đạo diễn Lương Đình Dũng…

Còn rất nhiều việc phải làm

Phát triển công nghiệp văn hóa là một trong 6 nhiệm vụ Nghị quyết số 33 đề ra, thể hiện tư duy đột phá của Đảng ta. Nhận thức được vấn đề này, UBND tỉnh đã ban bành Kế hoạch số 66 Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, phấn đấu tổng thu của các ngành công nghiệp văn hóa đạt khoảng 3% GRDP của tỉnh; trong đó đóng góp của ngành du lịch văn hóa chiếm 20% trong tổng số khoảng 5.500 tỷ đồng doanh thu từ khách du lịch.

Câu chuyện nguồn lực dành cho văn hóa đang nhận được nhiều bàn luận sôi nổi từ nghị trường đến truyền thông.

Tại Tuyên Quang, trong 10 năm qua, nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa đang ngày càng được ưu tiên. Riêng Ngành văn hóa, thể thao và du lịch được bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh với tổng kinh phí trên 908 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, xây dựng và thực hiện các chương trình, Nghị quyết riêng về văn hóa. Nguồn vốn sự nghiệp chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2024 cũng dành số tiền là trên 22 tỷ đồng hỗ trợ cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhưng công nghiệp văn hóa vẫn chưa thực sự bứt phá. 

Ngoài câu chuyện nguồn lực, thì bài toán thu hút sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, thể thao và khai thác các di sản vẫn khó tìm lời giải. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 10 doanh nghiệp, trên 20 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo, 11 công ty lữ hành quốc tế và nội địa đang đưa, đón phục vụ khách du lịch… Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn hạn chế; các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chưa hiệu quả, trong khi sức cạnh tranh chưa cao.

Hoạt động của các trung tâm công nghiệp văn hóa, không gian văn hóa và sáng tạo đang hoạt động tại địa phương - một trong những lợi thế rất lớn để phát triển công nghiệp văn hóa - đến thời điểm này, vẫn còn vắng  bóng. Bà Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty Cô Sơn Nữ cho rằng, đây là một hạn chế rất lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Tuyên Quang. Với những doanh nghiệp du lịch như Cô Sơn Nữ, nếu có thêm không gian sáng tạo văn hóa, sẽ có thêm sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo và có điểm nhấn hơn.

Trong Hội nghị văn hóa toàn tỉnh và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Công nghiệp văn hóa là điển hình của sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và văn hóa. Nó hiện diện ở điện ảnh, du lịch, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, phát thanh truyền hình… Theo PGS. TS Nguyễn Duy Bắc, việc phát triển công nghiệp văn hóa cần tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, thu hút các nguồn lực, tạo ra nhiều việc làm. Phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần bảo vệ văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Phát triển công nghiệp văn hóa cần được quan tâm của các cấp ngành, tài trợ hỗ trợ đặt hàng, mở rộng sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân. Và quan trọng nhất, theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, là phải gắn với thị trường văn hóa.

Có định hướng, có chiến lược, việc phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, phát triển công nghiệp văn hóa ở tỉnh ta nói riêng, được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đáng kể, để văn hóa không đơn thuần là vui chơi, giải trí, cờ đèn kèn trống mà  chính là giá trị gia tăng cho kinh tế - như PGS. TS Nguyễn Duy Bắc đã khẳng định. Và để có được dấu ấn đó, còn rất nhiều việc phải làm.

baotuyenquang.com.vn
Các tin bài mới hơn