Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc
 
Trong giai đoạn hiện nay của cách mạng Việt Nam, một trong những nhân tố cốt lõi để bảo vệ vững chắc Tổ quốc là xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, bao gồm tổng thể các hoạt động đối nội và đối ngoại về quân sự, chính trị, văn hoá, khoa học... của Nhà nước và Nhân dân để phòng thủ đất nước, giữ vững hoà bình, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tổ chức quốc phòng ở mỗi nước phụ thuộc trực tiếp vào chế độ chính trị - xã hội, truyền thống dân tộc, điều kiện và hoàn cảnh của đất nước.

Trong bài viết, tác giả  muốn nhấn mạnh một số vấn đề theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội, ngày 25/9/1966 (Nguồn: hochiminh.vn)

Thứ nhất, theo Hồ Chí Minh, nền quốc phòng ở nước ta là nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mạnh toàn dân để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ Nhân dân.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là thể hiện sự vận dụng đúng đắn quy luật “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” của dân tộc. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Việt Nam là một dân tộc nhỏ, đất không rộng, người không đông, nhưng thường xuyên phải đối phó với các thế lực giặc ngoại xâm lớn mạnh; vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn được đặt ra bên cạnh nhiệm vụ xây dựng đất nước. Vì vậy, “xây dựng phải đi đôi với bảo vệ” đã trở thành quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ đất nước luôn là sức mạnh của đoàn kết toàn dân. 

Sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tính tất yếu phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về yêu cầu xây dựng phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp vô sản. V. I. Lênin đã chỉ rõ: Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ và “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa thì chúng ta không thể tồn tại được”. Từ đó, V. I. Lênin đã nhắc nhở Đảng Cộng sản Nga và nhân dân Nga phải luôn chăm lo khả năng quốc phòng của đất nước và của Hồng quân như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng chỉ có thể giành thắng lợi khi xây dựng được một nền quốc phòng vững mạnh dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân.

Sự khẳng định tính tất yếu trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định yêu cầu khách quan của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng Việt Nam.

Ngay từ những năm 1941 - 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra yêu cầu tất yếu phải “phòng bị” đất nước một cách cẩn thận, coi việc giữ nước cũng như giữ nhà, “giữ nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khoá để ngăn ngừa bọn trộm cắp. Giữ nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ Tổ quốc không phải là hành động nhất thời, mà là hành động có mục đích, có kế hoạch và thường xuyên được chuẩn bị với tinh thần bất kỳ hoà bình hoặc chiến tranh ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước, cần phải thường xuyên củng cố nền quốc phòng toàn dân.

Thứ hai, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thống nhất với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng, là sự kế thừa và phát triển kinh nghiệm, truyền thống “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, “trăm họ là binh” của dân tộc Việt Nam.

Phát huy vai trò toàn dân bảo vệ Tổ quốc là quan điểm khẳng định niềm tin mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sức mạnh toàn dân, sức mạnh vô địch “không ai thắng nổi”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng là việc chung của cả dân chúng, chứ không phải việc của một, hai người… sức mạnh giữ nước là sức mạnh của toàn dân đoàn kết, sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại. Phát huy sức mạnh toàn dân để củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là làm cho mọi người đều phải góp phần vào việc củng cố quốc phòng và giữ gìn trị an để Nhân dân được yên vui sản xuất, xây dựng nước nhà. Nhằm phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải luôn coi trọng công tác giáo dục, động viên, tổ chức quần chúng Nhân dân vào công việc quốc phòng; động viên sức dân phải đi đôi với việc chăm lo bồi dưỡng sức dân; xây dựng nền quốc phòng vững mạnh bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang ba thứ quân đóng vai trò nòng cốt.

Thứ ba, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải gắn với quốc phòng toàn diện, phải phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đó phải là sức mạnh tổng hợp của cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước kia chỉ đánh nhau về mặt quân sự, nhưng ngày nay đánh nhau về đủ mọi mặt, quân sự, kinh tế, chính trị, tư tưởng... Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, thì không thể nào thắng lợi được”.

Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn diện là xây dựng tiềm lực về mọi mặt cho đất nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, sức mạnh quân sự có vai trò quyết định trực tiếp đến sức mạnh nền quốc phòng, được thể hiện ở sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Nhân dân, khả năng chủ động chiến lược, đề phòng và ngăn ngừa chiến tranh, khả năng ưu thế về so sánh lực lượng có thể đánh bại kẻ thù xâm lược trong bất cứ tình huống nào.

Xây dựng nền quốc phòng toàn diện là công việc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc khi có kẻ thù xâm lược. Đó là cuộc chiến tranh Nhân dân nên phải quán triệt quan điểm toàn dân đánh giặc, trong đó lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt. Phải hết sức chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng vững mạnh. Đồng thời, phải phát huy sức mạnh chính trị của nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, đó là sức mạnh của chính nghĩa, tính ưu việt của chế độ chính trị xã hội, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng, sự vững mạnh của hệ thống chính trị và sự đồng tâm nhất trí của toàn dân. Trong đó, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nhân tố quyết định.

Đối với sức mạnh kinh tế, đây là nền tảng vật chất của sức mạnh đất nước, của nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, được biểu hiện ở khả năng phát triển nền kinh tế đất nước đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội trong thời bình và khả năng huy động bảo đảm nhu cầu quốc phòng trong mọi tình huống. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “thực túc” thì “binh cường” nên phải đẩy mạnh phát triển kinh tế nhằm mục đích nâng cao đời sống của Nhân dân và củng cố nền quốc phòng.

Trong quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa cũng là một mặt trận”, do vậy, sức mạnh văn hoá là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sức sống của một dân tộc và sức mạnh quốc phòng. Sức mạnh về ngoại giao cũng là một thành tố quan trọng tạo nên sức mạnh của nền quốc phòng, trong đấu tranh ngoại giao phải luôn nắm vững tính chất chính nghĩa của ta, tính phi nghĩa của kẻ địch xâm lược; giữ vững chủ động, hết sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước anh em, bè bạn và Nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng nền quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Thực chất của sức mạnh ngoại giao là kết hợp sức mạnh của thực lực cách mạng với nghệ thuật đấu tranh ngoại giao, nhưng phải coi thực lực là căn bản.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to - tiếng mới lớn”. Người cho rằng, đối với Việt Nam cần phải xây dựng nền quốc phòng theo hướng ngày càng hiện đại. Trên cơ sở của sự phát triển, hiện đại hoá nền kinh tế đất nước tạo nền tảng vật chất - kỹ thuật cho việc hiện đại hoá quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; phải chú trọng xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, từng bước đưa nước ta trở thành một nước có nền công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến. Xuất phát từ đặc điểm nền kinh tế Việt Nam còn lạc hậu, tiềm lực kinh tế kỹ thuật nhỏ bé nên chúng ta phải thực hiện từng bước hiện đại hoá Quân đội, quốc phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại”. Đó là quan điểm đúng đắn nhất về xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân.

Bởi vì, quốc phòng và an ninh là hai lĩnh vực khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Quốc phòng là công cuộc giữ nước, bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống lại mọi âm mưu và hành động xâm lược của các thế lực ngoại xâm. An ninh là công việc giữ gìn trật tự, ổn định xã hội, chống lại bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. An ninh được giữ vững sẽ góp phần tạo thêm sức mạnh từ bên trong cho sự nghiệp quốc phòng vững mạnh; quốc phòng vững mạnh là sự bảo đảm chắc chắn cho nền độc lập dân tộc, sự toàn vẹn của quốc gia, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững an ninh quốc gia, ổn định xã hội và đất nước.

Người khẳng định, nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn liền với thế trận an ninh Nhân dân, nhằm “trấn áp cả kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài… Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mối quan hệ gắn bó giữa Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân: “Công an và quân đội là hai cánh tay của Nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau…”.

Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Đã gọi là quân sự thì phải cảnh giác cao, sẵn sàng chiến đấu tốt. Đồng thời, Người khẳng định: “Hễ còn chủ nghĩa đế quốc thì chiến tranh vẫn còn. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và đề phòng, quyết không được chủ quan khinh địch”.

Trong quá trình xây dựng nền phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc phải luôn nêu cao tư tưởng độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Phải độc lập trong xác định đường lối quốc phòng đúng đắn; phát huy hết khả năng mỗi người, huy động mọi tiềm năng đất nước; hết sức tranh thủ sự giúp đỡ của cách mạng thế giới, tạo sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng vững mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại cơ hội cũng như thách thức cho các quốc gia trên phạm vi toàn thế giới. Cục diện thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã hình thành trật tự đa cực rõ hơn; xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển; các nước lớn vừa hợp tác vừa đấu tranh; tranh giành ảnh hưởng gay gắt hơn, chi phối đời sống thế giới. Cạnh tranh kinh tế, tranh giành nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực cho phát triển giữa các nước tiếp tục diễn ra gay gắt. Hòa bình hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột cục bộ, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo vẫn diễn ra khó lường, các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến rất phức tạp.

Sau 37 năm đổi mới ở Việt Nam, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đã và đang xuất hiện những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá về chính trị, tư tưởng, văn hóa, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng và xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, đặc biệt là loại tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Tình hình Biển Đông đã và đang trở thành vấn đề thời sự mà dư luận nước ta và thế giới quan tâm theo dõi…

Chính vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm ưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.

Nhận thức sâu sắc, vận dụng sáng tạo và đồng bộ các nội dung cơ bản trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc là cơ sở, nền tảng bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.

TS. Vũ Quang Ánh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Các tin bài mới hơn