Trường Đại học Tân Trào dân vận khéo trong chuyển đổi số
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (Số 120, Báo Sự thật, ngày 15/10/1949). Thực hiện theo lời dạy của Bác, công tác dân vận được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả tích cực, luôn hướng về cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; luôn nâng cao trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu trước nhân dân.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động sâu sắc, trong đó giáo dục đại học là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, vì sản phẩm của đào tạo phải đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động đang có sự thay đổi nhanh chóng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định, chuyển đổi số cần phải được đẩy mạnh trên phạm vi quốc gia, phát triển nền kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, đồng thời, một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục đại học là chuyển đổi số. Nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục đại học cần chuyển đổi số toàn diện trong cả công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Thông qua chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục đại học sẽ đổi mới công tác giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và đào tạo, tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu, tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi và học tập suốt đời.

Cùng với các địa phương khác, tỉnh Tuyên Quang đã xác định một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ cách mạng của Đảng trong việc xây dựng chính quyền số, đó chính là chuyển đổi số, nhờ đó, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, giải quyết công việc nhanh gọn, kịp thời các thủ tục hành chính và tăng cường hội nhập quốc tế… Đồng thời, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 48 về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, đặt mục tiêu đổi mới toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số.

Quyết tâm tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi số, Đảng ủy Trường Đại học Tân Trào đã chủ động trong công tác dân vận, chỉ đạo các đơn vị đoàn thể  tuyên truyền, vận động cán bộ, viên chức, người lao động và người học thực hiện chuyển đổi số, giao nhiệm vụ cho Nhà trường triển khai chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số trên địa bàn tỉnh.

Đối với công tác quản lý điều hành, Trường Đại học Tân Trào đã tham gia tích cực và sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành chung của tỉnh, thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử. Nhờ đó, việc quản lý văn bản của nhà trường trở nên khoa học và chuyên nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hoạt động và tránh được nhiều rủi ro, cụ thể:

- Thiết lập được quy trình quản lý văn bản chuyên nghiệp, thông suốt, giúp nhà trường cập nhật và xử lý kịp thời văn bản đến, chuyển giao đến các phòng, ban, khoa liên quan để giải quyết đúng thời hạn.

- Sắp xếp và lưu trữ văn bản điều hành khoa học, thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu và theo dõi tình hình thực hiện công việc.

- Giảm thiểu tình trạng mất mát, thất lạc văn bản.

- Góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí.

- Cải thiện và nâng cao năng suất lao động.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, nhà trường đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học gắn với chuyển đổi số nhằm định hướng phương thức kết nối cũng như trao đổi chuyên môn đa phương thức, đa ngôn ngữ và không biên giới.

Lễ ký kết MOU giữa Trường Đại học Tân Trào và Trường Đại học Bách Khoa Laguna Philippines dưới hình thức online

Nguồn: Website Trường Đại học Tân Trào

Trong thời gian qua, hình thức hợp tác quốc tế của Trường Đại học Tân Trào ngày càng đa dạng và phong phú. Nhà trường đã thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ và mở rộng quan hệ theo hình thức trực tuyến, hình thức này cũng được sử dụng để tổ chức các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, nhờ đó, các giảng viên và sinh viên được tham gia những dự án nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của chuyên gia trường đối tác mà không cần phải gặp trực tiếp.

Giảng viên và sinh viên khoa Kinh tế & QTKD tham gia Diễn đàn khoa học quốc tế về đổi mới phương pháp dạy và học giữa Trường Đại học Tân Trào và Trường Đại học Mabalacat (Philippines)

Nguồn: Website Trường Đại học Tân Trào

Việc nhà trường triển khai chuyển đổi số trong hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế đã giúp cho hoạt động này ngày càng diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, từ đó, giúp Trường Đại học Tân Trào tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ đào tạo, nghiên cứu, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra. Mặt khác, thông qua các hoạt động này, giảng viên và sinh viên nhà trường cũng có cơ hội được tham gia giao lưu, học hỏi và chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề đang được quan tâm, đặc biệt, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tăng cường kết nối, hoàn thiện khả năng nghiên cứu và chuyên môn.

Đối với công tác đào tạo, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy, Nhà trường đã tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để đáp ứng công tác giảng dạy. Hiện nay, các phòng học đều được trang bị hệ thống máy chiếu, các giảng đường đều có internet tốc độ cao, hệ thống phòng máy được bố trí đẩy đủ máy tính hiện đại có kết nối mạng internet, từ đó giảng viên và người học có thể thuận lợi nghiên cứu, học tập và dạy học. Đồng thời, 100% giảng viên của trường đã chủ động soạn giảng giáo án điện tử, thiết kế các bài dạy có ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với hệ đào tạo vừa làm vừa học, nhà trường cũng áp dụng hình thức học trực tuyến với tổng thời lượng tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo, đảm bảo cung cấp cơ hội học tập linh hoạt và tiếp cận kiến thức đa dạng, đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng cho tất cả các cá nhân.

Cô Phạm Thị Liên - Giáo viên Trường Phổ thông Tuyên Quang đã tổ chức tiết học ứng dụng chuyển đổi số trong phương pháp giảng dạy

Nguồn: Website Trường Đại học Tân Trào

 

Bên cạnh đó, hệ thống thư viện số cũng được nhà trường triển khai, mã QR truy cập thư viện số được trưng bày tại tất cả các phòng học và phòng ký túc xá, giúp tăng tính khả dụng và truy cập của tài liệu, giúp người học được tiếp cận nhanh chóng các nguồn tài liệu chính xác và nội dung học tập chất lượng.

Công tác dân vận về chuyển đổi số của Đảng ủy Trường Đại học Tân Trào đã thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua. Nhận thức chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động của đảng bộ, chi bộ và cán bộ, đảng viên, quần chúng đã được nâng cao. Nhờ đó, vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được phát huy mạnh mẽ.

Nguyễn Thị Kim Ngân - Khoa Kinh tế & QTKD