TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Trường Ttung học sư phạm cấp I Tuyên Quang ngày ấy nhỏ lắm, tuyển sinh học sinh lớp 7/10 học 2 năm, hàng năm trường có 8 lớp, mỗi lớp khoảng 48-50 giáo sinh. Ban giám hiệu có 2 người, 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó. Trường có các ban: Ban giáo vụ, Ban Tổ chức - Hành chính - Quản trị. Giáo viên chia thành 3 tổ: Tổ Tự nhiên, Tổ Xã hội và Tổ Ban chung với khoảng 28 giáo viên, trình độ hầu hết là tốt nghiệp đại học.
Trong trường mọi người đều ở tập thể của trường, ăn cùng ăn chung bếp tập thể của giáo sinh (trừ những cặp vợ chồng), khổ lắm vẫn phải chịu vì theo quan điểm của Ban giám hiệu “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở (giáo viên chủ nhiệm ở cùng nhà với giáo sinh), cùng học tập , giảng dạy. Khẩu hiệu về đời sống của chũng tôi là: “Ăn như sư, ở như phạm” (theo nghĩa sư phạm). Phải mất 3, 4 năm chúng tôi mới phá được “rào” với lí sự: giáo sinh chỉ khổ 2 năm, chúng tôi không thể khổ cả đời. Khi đó tập thể mới ở riêng và có bếp ăn riêng với mức sinh hoạt phí cao hơn. Vật chất là như vậy, còn tinh thần thì cả trường có 1 cái đài, 1 loa và 1 chiếc tăng âm chạy máy nổ, không có điện, báo và tạp chí trên thư viện có đủ, đọc thoải mái. Riêng thể thao như : bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, hết giờ là chơi, thậm chí chơi cả chủ nhật, rất là nhộn nhịp.
Nhớ lại những năm ấy, đời sống khổ thật nhưng ai cũng rất vui vẻ, thoải mái trong mọi mối quan hệ: đồng nghiệp, lãnh đạo, thầy trò.
Về hoạt động chuyên môn, bây giờ nhớ đến thấy mình thật ấu trĩ; cứ nghĩ là một sinh viên tốt nghiệp đại học thì dạy trường cấp không có khó khăn gì; nhưng khi thực hiện thì ôi thôi, không có tài liệu chính, phải sưu tầm ở nhiều nguồn khác nhau để soạn bài. Tôi còn nhớ là phương pháp dạy học là khó nhất, phần phương pháp chung thì tổng quát, ngắn gọn, phần cụ thể thì không có, sách giáo viên cho cấp I cũng không có; Khi lên lớp toàn thừa thời gian, cho lớp ra sớm, giáo sinh thì thích còn tôi bị nhắc nhở. Bạn bè tôi cũng thế, nhóm sinh viên mới ra trường có sáng kiến: xin xuống các trường cấp I để dự giờ và học tập kinh nghiệp của họ. Xuống trường cấp I chúng tôi học tập được rất nhiều, cái mà ở trường đại học chúng tôi chưa có. Sinh hoạt tổ chuyên môn ngày ấy sôi nổi lắm, thường là dự giờ, rút kinh nghiệm, khi đưa ra các ý kiến đều rất xác đáng, có ưu điểm ai cũng tỏ ra rất “kiêu hãnh”, mỗi khuyết điểm chẳng ai bực mình hay biện minh cả mà đều mong sẽ rút được kinh nghiệm.
Phần bài tập thì vui lắm, ngày ấy tài liệu tham khảo rất hiếm, ai sưu tầm đưc[j thì đem ra khoe và cùng nhau giải, có nhiều bài cho thi học sinh giỏi chúng tôi không giải được, lại về nhà nghiên cứu, tuần sau tiếp tục. Cứ như vậy, chúng tôi tích lũy được khá nhiều để phục vụ cho dạy học. Một nọi dung ngày ấy chúng tôi rất sợ gọi là tuần thâm nhập thực tế: mỗi giáo viên phải dạy 1 tiết ở cấp I. Chúng tôi lo lắm, dạy thế nào đây, dạy không ra gì họ cười cho thối mũi. Chúng tôi tìm cách chống đối: chúng tôi không được đào tạo để dạy cấp I, cấp I đã có giáo viên cấp I dạy... nhưng chống không được, đồng chí Hiệu trưởng kết luận: đây là Nghị Quyết của nhà trường. Chúng tôi lo lắng đàng phải quyết tâm xông pha thôi. Tôi bốc được bài “Tam giác và hình tròn” (lớp 1). Sách giáo khoa viết ngắn gọn, đại để là:
- Đây là hình tròn: sách giáo khoa in 1 hình tròn (không có tâm) và 1 cái bánh xe đạp.
- Đây là hình tam giác: sách giáo khoa in 3 hình tam giác.
- Em hãy tìn các vật có hình tròn, hình tam giác.
Ngày ấy tôi cũng hơi láu cá, tôi tìm đến thày giáo cũ dạy tôi năm lớp 4 (bây giờ đã làm hiệu trưởng). Thầy bảo tôi: các anh lí thuyết cao siêu lắm làm gì, cứ dùng phương pháp trực quan mà dạy, học sinh nhận ra được hình tròn, hình tam giác trong thực tế là tốt rồi, còn cụ thể lát nữa tôi cho gặp giáo viên dạy lớp 1 lâu năm mà trao đổi. Gặp cô giáo dạy lớp 1 trao đổi, tôi sáng ra nhiều điều. Tôi tạm yên tâm nhưng vẫn hỏi thêm: tìm hình tam giác trong thực tế khó lắm, cô giáo nhẹ nhàng cười và chỉ lê tường: Các lá cờ phần thưởng kia thôi. Tôi cũng cười ngượng ngựu xin phép ra về. có được cẩm nang trong tay, về nhà chuẩn bị bài dạy và lên lớp. Rút kinh nghiệm giờ dạy được đánh giá xếp loại tốt, trước bạn bè tôi tự hào lắm, nhưng các bạn đâu có biết tôi phải đi tầm sư học đạo.
Tôi cũng xin được kể về tiết dạy của anh bạn tôi, anh là giáo viên ngữ văn, anh dạy ngữ pháp (ngày ấy gọi thế) “Câu chủ vị”, lâu lắm rồi tôi chỉ nhớ được đại khái là: Trong tiết dạy anh đưa ra ví dụ: “sáng mùng một tết em đi trồng cây”, sau một hồi phân tích giảng giải anh tự tin lắm. Bỗng có một học sinh giơ tay: em xin có ý kiến; được thầy cho phép em học sinh phát biểu: “sáng mùng một tết em không đi trồng cây ạ”, cả đám ngồi dự chúng tôi lặng đi, lớp học im phăng phắc (vì học sinh có ý kiến đúng), anh bạn tôi rất tươi cười đáp: đúng rồi sáng mùng một tết không ai đi trồng cây cả, theo em em đặt thế nào? học sinh phát biểu, thưa thầy: “sáng mùng một tết em đi chúc tết ông bà”, anh bạn tôi tiếp tục phân tích cho cả lớp và em học sinh đó. Sau đó vẫn còn nhiều học sinh phát biểu và đặt thêm nhiều câu nữa và tất cả đều đúng, chẳng hạn: “sáng mùng sáu tết chúng em đi trồng cây”... Sau cùng thầy giáo tổng kết bài dạy, đại ý tôi còn nhớ là: Khi đặt câu kết cấu ngữ pháp đúng nhưng nội dung của câu có thể không đúng như ví dụ thầy đã nêu ra, khi đặt câu các em cần chú ý nhé.
Khi rút kinh nghiệm, đích thân Hiệu trưởng của chúng tôi nhận xét: Tiết dạy tốt, có sáng tạo, không phụ thuộc vào sách giáo khoa, đưa học sinh vào hoạt động thực tiễn, lôi cuốn được học sinh vào xây dựng bài học. Chúng tôi là giáo viên toán, ngồi dự cũng phục lắm. Tan họp, trên đường về tôi nói với anh bạn: Ông giỏi thật, bọn tôi phải học ông nhiều. Anh bạn ghé tai tôi nói nhỏ: Tí nữa thì chết đấy, tao ra oai lấy ví dụ thêm ngoài sách không thận trọng, may mà đứa học sinh đưa ra ví dụ đượ, tao thích ứng và chèo chống chuyển hướng thôi. Tôi bảo: thế thì ông càng giỏi, trong tình thế nước sôi lửa bỏng, ông chuyển từ bại thành tahwngs rồi còn gì.
Chuyện ngày xưa là thế đấy các bạn ạ, giờ đây nhớ lại thật hú vía.
Sứ mạng lịch sử của trường Trung học sư phạm cấp I Tuyên Quang hoạt động tròn 8 năm (1971-1978) đã đào tạo được khoảng 1600 giáo viên cấp I cho tỉnh Tuyên Quang, thế hệ giáo viên này đã đáp ứng được yêu cầu phát triển giaoa dục của tỉnh nhà. Thế hệ chúng tôi cũng tấ tự hào đã góp phần nhỏ bé vào thành tích ấy, giờ đây thế hệ chúng tôi vẫn nhớ rất nhiều đến trường xưa. Hoài niệm./.