“Học tủ” để đối phó sẽ thất bại trong kỳ thi THPT quốc gia
 
Với phạm vi kiến thức khá rộng và số môn thi nhiều, điểm lấy xét tốt nghiệp là trung bình cộng của 3 bài thi thành phần đòi hỏi học sinh cần học vững các môn theo phương pháp ôn tập khoa học chứ khó áp dụng cách học tủ để đối phó.

Từ bỏ ngay lối học tủ

Theo công bố của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT năm 2017 sẽ có 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Như vậy, thí sinh sẽ thi 4 bài thi gồm 3 bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 tự chọn trong tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Ngoài bài thi tổ hợp, năm nay còn có thêm một thay đổi quan trọng là tăng cường thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã chủ trương ra đề trong phạm vi kiến thức chương trình lớp 12 nhằm giúp học sinh yên tâm ôn luyện.

Từ năm 2018, các bài thi THPT quốc gia sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 11. Bởi vậy, các thí sinh của năm 2018 (tức năm nay đang học lớp 11) cần phải xây dựng kiến thức nền tảng vững vàng ngay từ bây giờ.

Khó khăn là cách thi mới đòi hỏi thí sinh sẽ phải học vững kiến thức, kỹ năng căn bản chứ lối học tủ đối phó sẽ không hiệu quả. Giải pháp là các sĩ tử tương lai cần có phương pháp học để làm chủ kiến thức và kỹ năng làm bài thi (đặc biệt là kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm) mà không quá vất vả.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Hải - Giảng viên Trường Đại học Công đoàn đồng thời là giảng viên Hệ thống giáo dục Hocmai cho biết: Ngay từ khi bắt đầu ôn tập và luyện thi với các em học sinh lớp 11 chuẩn bị lên lớp 12, chúng tôi đều chú trọng đến việc củng cố kiến thức nền tảng, giúp các em có đà mở rộng kiến thức ôn luyện.

Các em có thể bám vào chu trình học tập 4 giai đoạn để lên kế hoạch ôn tập cho bản thân, cụ thể: Xây vững nền tảng; Ôn luyện toàn diện; Luyện mọi dạng bài và Ôn luyện chọn lọc.

Thầy Nguyễn Mạnh Cường, Giáo viên Toán trường THPT Chu Văn An  trong một tiết ôn tập Toán cho học sinh

Cần có lộ trình ôn luyện khoa học

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia 2018, thầy Nguyễn Mạnh Cường - Giáo viên Toán trường THPT Chu Văn An - cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn đang là học sinh lớp 11 như sau: “Các em không nên coi năm lớp 11 chỉ là ‘năm bản lề’ mà phải là ‘năm xây nền móng”.

Với nền móng vững vàng, quá trình ôn luyện sau đó sẽ nhàn nhã hơn. Bên cạnh đó, các em nên sớm lựa chọn ngành học yêu thích, trường đại học mục tiêu và dành thời gian tập trung cao độ xây nền tảng cho những môn học mà trường đó xét tuyển.

Thầy Lê Đăng Khương - Cựu giảng viên Trường Đại học Sư phạm, tác giả của nhiều cuốn sách viết về các phương pháp chinh phục môn Hóa - đã có gợi ý về lộ trình ôn tập cho các sĩ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Cụ thể là: Học sinh phải xác định kỹ khả năng của mình đang ở mức nào để có lộ trình ôn luyện phù hợp. Chỉ còn 4 tháng nữa, các em nên cân nhắc việc ôn luyện toàn diện song song với luyện mọi dạng bài.

Sự kết hợp này sẽ giúp các em đào sâu vào kiến thức các chuyên đề và luyện thành thục mọi dạng bài có khả năng xuất hiện trong đề thi.

Chăm chỉ rèn luyện trong giai đoạn này, đến khi bước vào phòng thi, các em sẽ thấy đề thi như một người bạn thân quen thuộc và việc đạt đến điểm khá là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Trong hai tháng cuối cùng, các em hãy hệ thống được toàn bộ kiến thức đã học một lần nữa. Lúc này chính là lúc các bạn cần bổ sung thêm các kỹ năng, phương pháp tính toán nhanh và chiến thuật - tâm lý phòng thi để tối ưu hóa được thời gian làm bài và điểm số từng câu.

Và hãy nhớ rằng đỗ đại học không khó như các em tưởng, nhưng là một công việc đòi hỏi dành nhiều thời gian và công sức, cũng như có kế hoạch, lộ trình học hợp lý. Chắc chắn các em sẽ thành công. – Thầy Khương chia sẻ.

 

Theo Báo Giáo dục và Thời đại