Giảng viên đại học được cử học Tiến sĩ ở nước ngoài được hỗ trợ học phí đến 25.000 USD/năm
 
Theo Thông tư 30/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, người được cử đào tạo trình độ TS và ThS toàn thời gian ở nước ngoài được hỗ trợ học phí lên đến 25.000/USD/năm

Ngày 03/6/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 30/2022/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với người được cử tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài, các nội dung hỗ trợ bao gồm: Học phí và các khoản liên quan đến học phí: Tối đa không quá 25.000 USD/năm học. Trường hợp học phí cao hơn 25.000 USD/năm học, mức chênh lệch cao hơn do người học tự chi trả hoặc do cơ sở giáo dục đại học cử giảng viên đi học chi trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Trường hợp đặc biệt, cần thu hút và tạo nguồn giảng viên từ những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện thanh toán theo mức học phí quy định của cơ sở đào tạo và phạm vi dự toán được giao.

Về chi phí làm hộ chiếu, visa: Thanh toán theo mức quy định của Nhà nước đối với chi phí làm hộ chiếu và theo hóa đơn lệ phí visa thực tế.

Theo Thông tư 30/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của bộ Tài chính, người được cử tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có thể được hỗ trợ học phí lên đến 25.000 USD/năm.

Đối với sinh hoạt phí, gồm: Tiền ăn, ở, đi lại hàng ngày, tiền tài liệu và đồ dùng học tập được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài. Sinh hoạt phí được cấp theo thời gian học tập thực tế ở nước ngoài (từ ngày nhập học đến ngày kết thúc khóa học nhưng không vượt quá thời gian ghi trong quyết định cử đi đào tạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). Việc thanh toán sinh hoạt phí cho người học được cấp định kỳ theo quý hoặc 6 tháng/lần, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học tập, nghiên cứu của người học.

Mức bảo hiểm y tế bắt buộc: Thanh toán theo quy định của nước sở tại, tối đa không quá 1.000 USD/năm. (Trường hợp người học có nguyện vọng mua bảo hiểm y tế ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch).

Tiền vé máy bay đi và về: Người học còn được cấp 01 lượt vé từ Việt Nam đến nơi học tập và 01 lượt vé từ nơi học tập về Việt Nam trong toàn bộ thời gian đào tạo;

Chí phí đi đường: Được cấp 01 lần chi phí đi đường với mức khoán là 100 USD/người cho toàn bộ thời gian đào tạo.

Đối với người được cử tham gia đào tạo trình độ tiến sĩ toàn thời gian ở trong nước, nội dung hỗ trợ bao gồm:

Học phí nộp cho các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo xét chọn tham gia các nhiệm vụ đào tạo của Đề án: Thực hiện thanh toán theo mức quy định của cơ sở giáo dục đại học, tối đa không vượt quá khung học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Hỗ trợ kinh phí để người học thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước. Cụ thể, nhóm ngành Y dược, Thể dục, Thể thao, Nghệ thuật: 20 triệu đồng/năm. Nhóm ngành Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; nông, lâm, thủy sản: 18 triệu đồng/năm. Nhóm ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác: 13 triệu đồng/năm... Thời gian hỗ trợ: Trong thời gian học tại cơ sở đào tạo (không quá 4 năm).

Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí để người học đăng bài báo khoa học quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học và công nghệ uy tín quốc tế thuộc danh mục cơ sỏ dữ liệu các tạp chí khoa học của Web of Science theo mức thông báo của tạp chí khoa học và công nghệ quốc tế với tư cách là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học, cử giảng viên đi học có thể huy động từ các nguồn đóng góp, hợp pháp khác để hỗ trợ kinh phí học tập, nghiên cứu cho người học theo quy chế chỉ tiêu nội bộ của đơn vị.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/7/2022.

Người học đã được tuyển sinh và đang theo học của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Đề án Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thì tiếp tục được chi trả theo quy định tại Thông tư liên tịch số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 19/9/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg; Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10/3/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tuyển sinh và chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 599/QĐ-TTg cho tới khi hoàn thành chương trình đào tạo theo quyết định phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.