Hôm nay (25/1), Đại hội XIII của Đảng chính thức bắt đầu
 
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân - bước vào ngày làm việc đầu tiên với sự tham dự của 1.587 đại biểu.

Đại hội XIII có số đại biểu tham dự đông nhất

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chính thức bắt đầu từ ngày hôm nay (25/1) và diễn ra đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội XIII là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta. Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay với nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Đó chính là những tiền đề quan trọng để chúng ta phấn đấu hiện thực hóa khát vọng xây dựng một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước - năm 2045.

Hôm nay (25/1), Đại hội XIII của Đảng chính thức bắt đầu - Ảnh 1.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi đón 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước về dự Đại hội đã sẵn sàng cho ngày Khai mạc.

Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.

Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%... Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu…

Theo chương trình, đầu giờ sáng 25/1, các đại biểu Đại hội XIII sẽ vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, các đại biểu sẽ họp phiên trù bị tại hội trường lớn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

Đại hội tiến hành thông qua chương trình phiên họp trù bị, thông qua Quy chế làm việc, Chương trình làm việc, Quy chế bầu cử Đại hội XIII và Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.

Cũng tại phiên trù bị, các đại biểu tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.

Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu Đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa XII…

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, sáng 26/1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ họp phiên khai mạc tại hội trường.

Bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội

Trong những ngày qua, các bước chuẩn bị cuối cùng cơ bản hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất phục vụ Đại hội XIII - ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân.

Công tác tổ chức, phục vụ Đại hội lần này có một số điểm mới và được bổ sung để phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, toàn bộ các đại biểu tham dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ theo đoàn, tập trung trong suốt quá trình diễn ra Đại hội tại các khách sạn, nhà khách gần địa điểm tổ chức hội nghị (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Đại biểu không ăn, nghỉ ở bên ngoài hoặc nhà riêng, trừ một số trường hợp có quy định riêng.

Hôm nay (25/1), Đại hội XIII của Đảng chính thức bắt đầu - Ảnh 3.

Nhân viên y tế lẫy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho các phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên các cơ quan thông tấn, báo chí. (Ảnh: TTXVN)

Công tác chăm sóc sức khỏe đại biểu cũng được Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội đặc biệt quan tâm; đã chỉ đạo xây dựng các phương án chi tiết, cụ thể về y tế để bảo đảm cao nhất an toàn sức khỏe của đại biểu và khách mời dự Đại hội.

Tính đến 20 giờ ngày 24/1, hơn 10.000 mẫu xét nghiệm lần 2 của các đại biểu tham dự Đại hội Đảng và tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ Đại hội Đảng đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Theo quy định, tất cả các đại biểu tham dự Đại hội Đảng và những người phục vụ Đại hội Đảng đều phải trải qua hai lần xét nghiệm: Lần 1 trong vòng 7 ngày trước Đại hội và lần 2 trong vòng 1- 2 ngày trước Đại hội. Kết quả hai lần xét nghiệm của toàn bộ hơn 10.000 người đều âm tính.

Lực lượng công an, quân đội cũng đã sẵn sàng các phương án, bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hôm nay (25/1), Đại hội XIII của Đảng chính thức bắt đầu - Ảnh 4.

Lực lượng tiêu binh được triển khai để đón các đoàn đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Lễ xuất quân, diễn tập ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, lực lượng Công an sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội và các lực lượng liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các phương án, kế hoạch nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu, không để bị động, bất ngờ. Cả 04 cấp Công an từ Bộ đến địa phương từ thời điểm này bước vào trạng thái sẵn sàng cao nhất, dành toàn tâm, toàn lực, sẵn sàng hy sinh, “chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình” bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công Đại hội.

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trong thời gian diễn ra Đại hội, Cục Cảnh sát giao thông cũng đã có thông báo phân luồng giao thông từ xa và tổ chức hướng đi cho các loại phương tiện.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội công phu, bài bản, chu đáo

Về công tác chuẩn bị Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn dành sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo; là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Văn kiện chính là "linh hồn" của Đại hội. Trước khi trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đã được Đảng tập trung xây dựng rất công phu, kỹ lưỡng, bài bản và khoa học. Đồng thời, các diễn đàn đã được tổ chức để lắng ý kiến góp ý của những tầng lớp nhân dân. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

24 hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân cho dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức trong 20 ngày. Trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, dự thảo văn kiện đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng ngay từ khi Hội nghị Trung ương 8 khóa XII thành lập các tiểu ban và đã qua 22 lần chỉnh sửa trước khi xin ý kiến nhân dân. Mục tiêu và mong muốn lớn nhất của Đảng trong xây dựng văn kiện là phát huy được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân.

Hôm nay (25/1), Đại hội XIII của Đảng chính thức bắt đầu - Ảnh 6.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 14 (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, trân trọng lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (gọi chung là Báo cáo kinh tế-xã hội) và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã có sự thống nhất cao, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta, dân tộc ta.

Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới mà còn đưa ra tầm nhìn, định hướng đến năm 2045 gắn với hai cột mốc quan trọng là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 thành lập nước vào năm 2045. Cụ thể mục tiêu:

- Đến năm 2025: Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;

- Năm 2030: Việt Nam là nước đang phát triển cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;

- Năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn.

Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII dự kiến có 200 đồng chí

Công tác nhân sự Ban Chấp hành khóa XIII có vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Tại cuộc họp báo trước khai mạc Đại hội XIII của Đảng diễn ra chiều 22/1, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, về quy trình công tác nhân sự, điểm mới lần này là tiến hành 5 bước (nhiệm kỳ trước tiến hành 3 bước), chặt chẽ hơn, dân chủ hơn, thông qua các cấp ủy thảo luận trên nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời cụ thể hóa cho cả tái cử lần đầu tham gia theo từng nhóm đối tượng chức danh. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã chuẩn bị bảo đảm chất lượng, có số lượng, cơ cấu hợp lý, kế thừa ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ. Trên cơ sở đó, từ Hội nghị Trung ương 13, 14, 15, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về cơ cấu, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 200 đồng chí, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương cần có 3 độ tuổi: dưới 50, từ 50 – 60 và từ 61 tuổi trở lên; phấn đấu dưới 50 tuổi chiếm từ 15 – 20%; từ 50 – 60 tuổi khoảng 70% và 61 tuổi trở lên trên dưới 10%. Ban Chấp hành Trung ương cũng quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Cán bộ trẻ khoảng 10%, nữ khoảng 12%... Phương hướng đặt ra là như vậy, còn thực tế đạt được thế nào phải chờ Đại hội.

Về trường hợp đặc biệt giới thiệu đề cử Ban Chấp hành Trung ương, theo ông Mai Văn Chính, xuất phát từ tình hình thực tiễn, căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là tiêu chí tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn trong Đảng và trong nhân dân, yêu cầu đòi hỏi các vị trí đặc biệt quan trọng, lĩnh vực trọng yếu là các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể theo quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao chọn một số đồng chí thuộc trường hợp đặc biệt, cả nhân sự tái ứng cử và nhân sự giới thiệu lần đầu để trình Đại hội XIII xem xét, quyết định.

Về việc Đại hội lần này có sửa đổi Điều lệ Đảng hay không, ông Mai Văn Chính cho biết, việc này do Đại hội xem xét quyết định.

Hôm nay (25/1), Đại hội XIII của Đảng chính thức bắt đầu - Ảnh 9.

 

Tạ Hiển (trích báo điện tử Đài truyền hình Việt Nam)