Sân khấu hóa tác phẩm văn học học phần '' Đại cương Văn học Việt Nam''
 
Sân khấu hóa là hình thức dạy học hấp dẫn, thay vì tiếp thu kiến thức theo lối truyền thống thì sân khấu hóa giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế thông qua quá trình nỗ lực nhập vai, các em được hóa thân vào nhân vật truyền thuyết, biết rung động và tự cảm nhận về nhân vật, về tác phẩm. Qua đó chủ động chiếm lĩnh kiến thức đồng thời rèn luyện sự tự tin, kĩ năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo.

Năm học 2022 - 2023 là năm học đầu tiên, Trường Đại học Tân Trào đào tạo ngành Sư phạm Ngữ văn. Với bề dày truyền thống đào tạo các ngành sư phạm cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, ngành Sư phạm Ngữ văn đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh và sinh viên trên cả nước theo học. 

Học phần Đại cương Văn học Việt Nam là một học phần quan trọng trong quá trình đào tạo sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, ghi nhận tại một buổi học của học phần này, các em sinh viên đã được tổ chức học tập theo hình thức sân khấu hóa tác phẩm văn học.  

Tiến sĩ Vũ Quỳnh Loan - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cũng là giảng viên trực tiếp giảng dạy học phần Văn học dân gian chia sẻ: "Không phải môn học nào các em sinh viên cũng được làm chủ sân khấu như thế này. Việc sân khấu hoá tác phẩm văn học dân gian sẽ giúp sinh viên dễ tiếp thu và cảm nhận tốt về môn học. Khi chuyển thể tác phẩm văn học thành tiểu phẩm, vở kịch là khi các bạn sinh viên được hóa thân thành các nhân vật quen thuộc trong tác phẩm, để rồi qua quá trình nỗ lực nhập vai, các em sinh viên sẽ tự suy ngẫm, cảm nhận, trăn trở, thấm thía hơn ý nghĩa của mỗi tác phẩm ấy."

Tiến sĩ Vũ Quỳnh Loan trực tiếp giảng dạy học phần Đại cương Văn học Việt Nam

Sinh viên Vũ Hải Yến - Lớp Sư phạm Ngữ văn chia sẻ: "Em thật sự cảm thấy rất hào hứng về buổi học theo hình thức sân khấu hoá này, buổi học đã giúp em và các bạn tiếp cận môn học, cảm thụ và lĩnh hội kiến thức một cách rất sáng tạo và dễ hiểu."

Sinh viên Nguyễn Hà Phương (vai diễn Mị Châu) chia sẻ: "Em dành khá nhiều thời gian tập luyện cùng các bạn để chuẩn bị cho buổi học này. Ðể tìm hiểu tính cách nhân vật, trước đó, ngoài đọc tác phẩm Truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy, em còn xem thêm nhiều tư liệu, tài liệu trên phim ảnh, làm sao diễn ra cái “thần” của nhân vật. Trải qua quá trình tập luyện cùng các bạn cũng đã giúp cho chúng em hiểu nhau hơn gắn kết tinh thần đồng đội và cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm ý nghĩa, cảm nhận tốt hơn về tác phẩm và học phần Văn học Dân gian."

Hình ảnh sinh viên và vở diễn Truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy 

Hình ảnh sinh viên và vở diễn Tấm Cám 

Sinh viên rất hào hứng với phương pháp sân khấu hóa

TS. Vũ Quỳnh Loan cho biết: "Đối với việc giảng dạy sinh viên, Trường Đại học Tân Trào luôn áp dụng phương pháp dạy học phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học, luôn ưu tiên sinh viên phải làm chủ môn học và phải tạo ra không khí học tập rõ ràng, trả lại cho các em vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn bởi những điều cho sẵn của giảng viên. Khi các em được thể hiện quan điểm của mình và được công nhận sẽ giúp cho các em thêm tự tin và hứng thú trong các giờ học."

TS. Vũ Quỳnh Loan  nhấn mạnh tại buổi học "sinh viên luôn là người làm chủ môn học và phải tạo được không khí học tập rõ ràng" 

Với môi trường học tập năng động và chương trình đào tạo chuẩn theo xu hướng hội nhập, sinh viên Trường Đại học Tân Trào ngay từ năm nhất đã được học tập với những phương pháp học đi đôi với thực hành, sinh viên làm chủ môn học, làm chủ kiến thức, chắc chắn rằng, mỗi thế hệ sinh viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào cũng luôn phát huy năng lực, sự tự tin của bản thân.