Tuyên Quang phát triển kinh tế theo hướng xanh và năng động
 
Chiều 14/4, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 325/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuyên Quang được định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột và 4 cực tăng trưởng.

Tuyên Quang được định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột và 4 cực tăng trưởng. 

Theo quy hoạch đến năm 2030 Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 9,5%, GRDP bình quân đạt trên 130 triệu đồng/người/năm.

Quy hoạch cũng định hướng kinh tế của Tuyên Quang phát triển theo hướng xanh và năng động, nhanh và bền vững, hài hòa và bảo đảm môi trường, sinh thái. Tuyên Quang được định hình trở thành điển hình trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao sản xuất, chế biến gỗ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tầm nhìn đến 2050, Tuyên Quang là tỉnh phát triển, thu nhập cao của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, có môi trường xã hội văn minh, hiện đại, sáng tạo, dân chủ. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển nhanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, nền kinh tế của Tuyên Quang phát triển ba trụ cột gồm công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tuần hoàn, tăng trưởng xanh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Tuyên Quang đang hình thành 4 cực tăng trưởng gắn với tiềm năng thế mạnh vùng bao gồm gồm Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và phía Nam huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp, đô thị, du lịch tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch, nông nghiệp hàng hóa đặc sản, chất lượng cao tại huyện Na Hang và Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp và nông, lâm nghiệp tại khu vực huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa.

 
Tuyên Quang phát triển kinh tế theo hướng xanh và năng động ảnh 1

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang. Ảnh TC

Phát biểu tại hội nghị, ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, khẳng định quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nền tảng để tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn để huy động nguồn lực, nhất là thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương. Ông Lâm cũng nhấn mạnh việc có quy hoạch tốt mới có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt mới có dự án tốt.

Hội nghị cũng ghi nhận những ý kiến kiến nghị của các đại biểu, trong đó tập trung đề ra hàng loạt giải pháp để các ngành, các cấp, các lĩnh vực thực hiện quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đạt hiệu quả như mong muốn.

Tổng hợp nội dung của hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, nhấn mạnh đến việc nghiên cứu để triển khai thực hiện các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tỉnh mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Quyết định số 325/QĐ-TTg, bao gồm giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn trên nền tảng phát triển 3 trụ cột kinh tế, 4 cực tăng trưởng.