Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định 99/2019
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP các cơ quan đến trước ngày 28/4/2023.

Ngày 7/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến các cơ quan đến trước ngày 28/4/2023.

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 4 như sau:

Điều 4 như sau:

“a) Điều kiện thành lập: Có ít nhất 05 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 01 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học. Trường hợp thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định này thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo khi bảo đảm ít nhất 05 ngành đào tạo trình độ đại học và 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc 02 lĩnh vực đào tạo có chuyên môn gần nhau và có ít ngành được đào tạo trong nước”.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 5 như sau:

“a) Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó mỗi trường đại học trước khi liên kết phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 của Nghị định này. Khi đã liên kết thành đại học phải có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;”.

“cĐề án liên kết thành đại học, trong đó nêu rõ sự cần thiết, những thay đổi về mục tiêu, sứ mạng của các trường tham gia liên kết; thuyết minh về mức độ đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này; dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của đại học; các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành liên kết (nếu có).”

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung tên điều; điểm a, d, đ khoản 1; khoản 2; khoản 5; khoản 7 và khoản 8 Điều 7 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 7 như sau:

“Điều 7. Quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm, thay thế, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với các thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập”.

Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định 99/2019 ảnh 1

Ảnh minh họa: Linh An

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:

“a) Đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định về hội đồng trường lâm thời như sau: số lượng, cơ cấu thành viên, cách tổ chức bầu các thành viên bầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc bầu các thành viên bầu và bầu chủ tịch hội đồng trường lâm thời theo quy định đối với hội đồng trường; ra quyết định công nhận hội đồng trường lâm thời và chủ tịch hội đồng trường lâm thời trước khi trường đại học đề nghị cho phép hoạt động đào tạo; nội dung quyết định ghi rõ thời gian hoạt động của hội đồng trường lâm thời, tối đa không quá 24 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Việc thành lập hội đồng trường chính thức được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản này”.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:

“d) Chậm nhất 90 ngày trước ngày hết nhiệm kỳ hoặc theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này, tập thể lãnh đạo chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học và các quy định sau:

Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường, số lượng người đại diện cơ quan quản lý trực tiếp cử không quá 50% tổng số thành viên ngoài trường đại học; tập thể lãnh đạo thống nhất về lượng, cơ cấu thành viên của hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường (nếu quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học chưa quy định); chỉ đạo thực hiện việc bầu các thành viên của hội đồng trường theo từng cơ cấu; tổ chức các thành viên hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường.

Việc tổ chức giới thiệu các thành viên bầu, sử dụng hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học. Nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì cơ cấu, số lượng thành phần đại biểu được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học nhưng tối thiểu phải chiếm trên 20% so với tổng số viên chức, người lao động của trường đại học và bảo đảm tỷ lệ đại biểu tại các đơn vị thuộc, trực thuộc phải tương đương. Trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động chưa quy định thì tập thể lãnh đạo thống nhất với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường để chỉ đạo thực hiện. Sau khi được công nhận, hội đồng trường phải chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm nội dung nêu trên.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ ít nhất 60 ngày làm việc, tập thể lãnh đạo có trách nhiệm hoàn thiện, gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường của nhiệm kỳ mới.”.

d) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 như sau:

“đ) Thành phần tập thể lãnh đạo quy định tại Điều này bao gồm: Ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường hoặc quyền chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng (nếu chưa có hiệu trưởng), các phó hiệu trưởng và người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ. Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.”.

đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Thủ tục thay thế chủ tịch, thành viên hội đồng trường như sau:

a) Trường hợp chủ tịch hội đồng trường bị khuyết (bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ theo quy định tại khoản 5 Điều này, hết tuổi đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật, chuyển công tác, mất) thì trong thời hạn 45 ngày làm việc, phó chủ tịch (nếu có), hoặc thư ký (nếu không có phó chủ tịch), tổ chức họp hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường mới theo quy định tại điểm c khoản 1 và gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận.

Trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch (nếu có), hoặc thư ký hội đồng trường (nếu không có phó chủ tịch) điều hành các cuộc họp hội đồng trường, thay mặt hội đồng trường ký các văn bản có liên quan.

Sau thời hạn 45 ngày làm việc, nếu hội đồng trường không bầu được chủ tịch hội đồng trường để đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận thì cơ quan quản lý trực tiếp quyết định giao quyền chủ tịch hoặc giao phụ trách hội đồng trường, thời hạn thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của quyền chủ tịch hội đồng trường tối đa không quá 12 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Quyền chủ tịch hoặc phụ trách hội đồng trường thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường.

b) Thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường như sau:

Trường hợp thành viên là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp tham gia hội đồng trường nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác hoặc theo yêu cầu công tác, cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, quyết định thay thế thành viên là đại diện tham gia hội đồng trường.

Trường hợp hội đồng trường bị khuyết thành viên đương nhiên thì chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào thành phần của thành viên đương nhiên bị khuyết để chỉ đạo lựa chọn thành viên thay thế, đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định thay thế.

Trường hợp hội đồng trường bị khuyết thành viên bầu thì chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào tiêu chuẩn điều kiện, thành phần của các thành viên bị khuyết chỉ đạo lựa chọn thành viên thay thế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

Hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định thay thế thành viên đương nhiên và thành viên bầu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này. Tờ trình nêu rõ lý do thay thế thành viên hội đồng trường kèm theo các hồ sơ minh chứng liên quan (nếu có).”.

e) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với thành viên khác của hội đồng trường được quy định như sau:

a) Việc bãi nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường được thực hiện trong các trường hợp: Vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đang chấp hành bản án của tòa án; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường đề nghị bằng văn bản về việc bãi nhiệm.

Việc miễn nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường và thành viên khác của hội đồng trường được thực hiện trong các trường hợp: Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ (đối với thành viên trong trường đại học); bị xử lý kỷ luật khiển trách trở lên trong cùng một nhiệm kỳ (đối với thành viên là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước); bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ; các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Việc cho thôi giữ chức vụ đối với chủ tịch hội đồng trường, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với các thành viên hội đồng trường được thực hiện trong các trường hợp: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường hoặc xin thôi tham gia hội đồng trường; không đủ sức khoẻ để đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; mất tích; không thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong thời gian từ 06 tháng trở lên.

Trong trường hợp có đề xuất hợp pháp về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường thì phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có) hoặc thư ký hội đồng trường (nếu không có phó chủ tịch hội đồng trường) hoặc một thành viên hội đồng trường được trên 50% thành viên hội đồng trường đề nghị (nếu đã có đề xuất hợp pháp quá 30 ngày mà phó chủ tịch hoặc thư ký hội đồng trường không thực hiện) chủ trì cuộc họp giải quyết; cuộc họp phải bảo đảm về tỷ lệ và thành phần tham gia, tỷ lệ biểu quyết theo quy định của pháp luật;

b) Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét, quyết định việc bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch, miễn nhiệm, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với các thành viên hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định. Hồ sơ gồm có: tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm, bãi nhiệm, thôi giữ chức vụ và các văn bản, minh chứng liên quan;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của trường đại học, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho thôi giữ chức vụ, cho thôi tham gia hội đồng trường; trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”.

g) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 như sau:

“7. Việc tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật về công an và quân đội”.

h) Sửa đổi, bổ sung khoản 8 như sau:

“8. Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi tham gia hội đồng trường đối với các thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của hội đồng đại học.”

Thứ tư, bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 6 Điều 7 như sau:

“d) Cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện vai trò của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận hiệu trưởng trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường trong trường hợp sau: (i) đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách trường để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường; (ii) đối với các trường đại học đã khuyết hiệu trưởng quá 06 tháng mà chưa gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp.

Hội đồng trường thực hiện hoặc ủy quyền hiệu trưởng thực hiện các trình tự, thủ tục đánh giá, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với phó hiệu trưởng theo quy định của pháp luật, trình hội đồng trường xem xét, quyết định.”

Thứ năm, bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 9 như sau:

“3. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học, giám đốc đại học của trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành đại học theo quy định tại Điều 4 nghị định này.

a) Đối với trường đại học công lập:

Nếu hội đồng trường của trường đại học đã được thành lập, công nhận và bảo đảm theo đúng quy định về hội đồng đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì cơ quan quản lý trực tiếp ban hành quyết định công nhận chuyển hội đồng trường của trường đại học thành hội đồng đại học, trong đó bảo lưu số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ, chủ tịch và thành viên cụ thể; công nhận chuyển hiệu trưởng trường đại học thành giám đốc bảo lưu nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm,

Nếu hội đồng trường của trường đại học đã được thành lập, công nhận nhưng chưa bảo đảm đúng quy định về hội đồng đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển trường đại học thành đại học, tập thể lãnh đạo trường đại học trước (trước khi có quyết định chuyển thành đại học) phải chỉ đạo thực hiện thủ tục thành lập hội đồng đại học mới theo quy định tại khoản 1 Điều này. Sau khi được cơ quan quản lý trực tiếp công nhận, hội đồng đại học quyết định nhân sự giám đốc và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của đại học.

Trong thời gian thành lập, quyết định và đề nghị công nhận hội đồng đại học, hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học thực hiện quyền hạn, trách nhiệm, chức trách, nhiệm vụ của hội đồng đại học, giám đốc đại học.

Các chức danh quản lý khác do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật về viên chức.

b) Đối với trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận:

Nếu hội đồng trường của trường đại học đã được thành lập, công nhận và bảo đảm theo đúng quy định về hội đồng đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu ban hành quyết định công nhận chuyển hội đồng trường của trường đại học thành hội đồng đại học, trong đó bảo lưu số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ, chủ tịch và thành viên cụ thể; công nhận chuyển hiệu trưởng trường đại học thành giám đốc bảo lưu nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Nếu hội đồng trường của trường đại học đã được thành lập, công nhận nhưng chưa bảo đảm đúng quy định về hội đồng đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển trường đại học thành đại học, hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu phải tổ chức thực hiện thủ tục thành lập hội đồng đại học mới theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trong thời gian thành lập, quyết định và đề nghị công nhận hội đồng đại học, hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học thực hiện quyền hạn, trách nhiệm, chức trách, nhiệm vụ của hội đồng đại học, giám đốc đại học.”

Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 11 như sau:

“c) Đáp ứng các điều kiện khác về thành lập, hoạt động và thực hiện thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục”.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin từng điều, khoản mà dự thảo nêu ra để quý độc giả tiện theo dõi.

giaoduc.net.vn