TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quang Vinh
Phóng viên: Thưa Chủ tịch, ngay sau khi kiện toàn các chức danh của Quốc hội, các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã đi kiểm tra công tác bầu cử tại nhiều địa phương trên cả nước. Vậy việc chuẩn bị bầu cử ở các địa phương như thế nào? Điều gì các địa phương làm tốt, điều gì còn cần phải tăng tốc khi ngày bầu cử đang đến gần?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Thực hiện Kế hoạch số 763/KH-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát, kiểm tra công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ngay sau khi Quốc hội kiện toàn các chức danh nhân sự do Quốc hội bầu từ giữa tháng 4/2021, UBTVQH, Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định lập 9 đoàn công tác tiến hành 3 đợt giám sát, kiểm tra công tác bầu cử. Tới nay đã thực hiện ở 39 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ tiếp tục kiểm tra tới sát Ngày bầu cử 23/5.
Qua giám sát, kiểm tra thực tiễn cho thấy cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực, chủ động, tập trung triển khai các nội dung công việc chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng tinh thần của Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của UBTVQH, Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan, ban, ngành ở trung ương; kịp thời ban hành các văn bản cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công tác bầu cử ở địa phương; nhiều địa phương đã phân công cho từng thành viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trực tiếp giám sát, kiểm tra ở cơ sở.
Các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp được thành lập đầy đủ, kịp thời, đúng thành phần, số lượng, quy trình theo luật định và đã khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương bảo đảm dân chủ, thẳng thắn, công khai, minh bạch, đúng thời hạn và quy trình luật định; việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; giới thiệu người tham gia ứng cử và lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND đúng pháp luật, đúng tiến độ, cơ bản bảo đảm các cơ cấu cần thiết và chất lượng tốt nhất theo yêu cầu và hướng dẫn của UBTVQH và Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Việc lập và niêm yết danh sách cử tri kịp thời, đúng thời gian luật định; bảo đảm niêm yết ở những nơi công cộng, thuận lợi cho cử tri và nhân dân kiểm tra, góp ý để điều chỉnh thông tin chính xác, sát với tình hình thực tế.
Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử được triển khai khẩn trương, đúng quy trình; quan tâm xử lý cả những khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp về đất đai để tránh ảnh hưởng đến ngày bầu cử.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn y tế, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho cuộc bầu cử được chú trọng với từng kịch bản cụ thể, phù hợp với từng địa phương, bảo đảm tuyệt đối về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng dịch trước, trong và sau ngày bầu cử.
Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, sáng tạo, nhất là tuyên truyền trực quan tại các điểm bầu cử, trên đường phố và thôn, bản, tạo sự phấn khởi, vận động, khích lệ nhân dân quan tâm, theo dõi. Công tác tập huấn nghiệp vụ về bầu cử được triển khai thực hiện ở nhiều cấp, với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, với nhiều cách làm hay, sát thực tiễn theo từng công đoạn bầu cử. Công tác bảo đảm khác như việc chuẩn bị phòng bỏ phiếu, hòm phiếu, in tài liệu....tại các địa điểm bỏ phiếu cũng đã được tích cực triển khai. Qua thực tiễn kiểm tra và trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đều thấy không khí phấn khởi chung của Nhân dân hướng tới Ngày hội bầu cử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát, kiểm tra còn có những hạn chế, vướng mắc nhất định như: Một số địa phương có số lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri. Số lượng các buổi bố trí cho ứng viên ĐBQH, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch bệnh Covid-19; chưa chú trọng sử dụng tổng thể các phương tiện thông tin, truyền thông trong vận động bầu cử. Việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo một số nơi còn chậm. Việc hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn,…
Tuy nhiên, qua giám sát, kiểm tra, Hội đồng bầu cử quốc gia đã chỉ đạo Uỷ ban Bầu cử các địa phương tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, đồng thời nhanh chóng khắc phục các hạn chế để bảo đảm tiến độ và hiệu quả công việc, trong đó trước ngày 13/5 phải xử lý dứt điểm vấn đề đơn thư, khiếu nại liên quan tới các ứng viên, theo dõi, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh ở địa phương; tổ chức các hoạt động để người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND thực hiện vận động bầu cử công bằng, an toàn, dân chủ, linh hoạt, đúng quy định pháp luật, có thể tiếp xúc, vận động cử tri thông qua hình thức trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng dịch.
Quan tâm bố trí khu vực bầu cử thuận lợi cho việc tiếp đón cử tri, ghi phiếu bầu, nhất là đối với các cử tri lớn tuổi. Tăng cường tuyên truyền về ngày bầu cử với tần suất lớn hơn, trên mọi loại hình truyền thông, gắn với việc phòng, chống Covid-19 ngoài xã hội và đặc biệt là tại các khu vực bầu cử nhằm tạo ra không khí an toàn, phấn khởi cho Nhân dân, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về ngày bầu cử; dự liệu các phương án tổ chức bầu cử trong trường hợp có thiên tai để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của cử tri,...
Phóng viên: Từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều thời gian, qua thực tế kiểm tra những ngày qua, ông có thể lưu ý các địa phương cần tập trung những vấn đề gì?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hiện nay, UBTVQH đang tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát đợt 3 từ ngày 5/5 đến ngày 18/5 tới, tập trung giám sát việc tổ chức để người ứng cử tiếp xúc, gặp gỡ cử tri và thực hiện quyền vận động bầu cử đúng quy định, công bằng; việc niêm yết danh sách và thông tin những người ứng cử ở đơn vị bầu cử bảo đảm chính xác, tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan tới các ứng viên; tiếp tục cập nhật thông tin về danh sách cử tri tới thời điểm trước 24 tiếng so với Ngày bầu cử và vận động cử tri đi bầu với tỷ lệ cao nhất; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác bầu cử và những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn y tế và những kiến nghị của địa phương,…
Với 90.000 tổ bầu cử trên 184 đơn vị bầu cử của cả nước, việc kiểm tra bảo đảm các khâu, công việc diễn ra đúng luật, thuận lợi cũng là trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền và Uỷ ban Bầu cử các địa phương, cần được nêu cao. Vì vậy, chúng tôi lưu ý các địa phương tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cần thường xuyên cập nhật thông tin về yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, trao đổi, thống nhất với Ủy ban bầu cử cùng cấp quyết định tổ chức số lượng cuộc tiếp xúc cử tri phù hợp để vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch theo quy định. Vừa qua, nhiều địa phương đã tận dụng tốt lợi thế công nghệ thông tin để tổ chức hội nghị vận động ứng cử cho các ứng viên, vẫn bảo đảm tương tác giữa các ứng viên với cử tri được nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Cá nhân tôi qua 5 buổi tiếp xúc cử tri ở 5 quận, huyện của Thành phố Hải Phòng đều được trình bày chương trình hành động tới các cử tri ở tất cả các xã, phường.
Đặc biệt, đối với những địa phương có đường biên giới trên đất liền, những địa phương đã phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19 trong cộng đồng và những địa bàn khác có nguy cơ cao về bùng phát dịch bệnh, số lượng cuộc tiếp xúc cử tri cần được cân nhắc tổ chức hợp lý và phải thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng lây nhiễm tại các điểm bầu cử và đặc biệt không thể để xảy ra vì dịch bệnh mà không tổ chức được bầu cử.
Các địa phương có các đơn vị bầu cử sớm so với ngày 23/5 cần tập trung chỉ đạo, lãnh đạo công việc này diễn ra an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của các bên, trong đó có vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho cuộc bầu cử trong suốt thời gian qua và trong thời gian tiếp theo, Mặt trận Tổ quốc cần tập trung thực hiện những công việc gì?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Tôi cho rằng trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có vai trò, trách nhiệm hết sức quan trọng trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã được pháp luật quy định. Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, công tâm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong chuẩn bị bầu cử, bảo đảm các bước, các khâu giới thiệu đại biểu, hiệp thương, tham gia chuẩn bị dự kiến cơ cấu thành phần và phân bổ số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của Trung ương, Hội đồng Bầu cử quốc gia; tích cực tham gia tiếp nhận, xử lý khiếu nại tố cáo và tổ chức tuyên truyền sâu rộng về ngày bầu cử.
Từ nay tới ngày 23/5 và sau đó, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc vẫn rất nặng nề, tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu vận động tranh cử theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương trong bầu cử; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, đơn vị trong các hoạt động bảo đảm phục vụ công tác bầu cử; đẩy mạnh công tác nắm bắt dư luận xã hội về công tác bầu cử để tuyên truyền về bầu cử; kiến nghị, phản ánh tới các cấp uỷ, chính quyền xử lý các vụ việc phát sinh để kịp thời giải quyết trước ngày bầu cử.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!