Công tác xã hội có phải là hoạt động từ thiện?
 
Khi hỏi “bạn hiểu công tác xã hội là gì?”chúng tôi đã nhận được nhiều câu trả lời cho rằng công tác xã hội là làm từ thiện, tình nguyện. Vậy cách hiểu này có đúng hay không?

Công tác xã hội và hoạt động từ thiện có điểm tương đồng là những hoạt động trợ giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn giải quyết vấn đề, giúp họ có cơ hội vươn lên và hoà nhập cộng đồng. Cũng chính vì đặc điểm này nên từ lâu người ta thường nghĩ công tác xã hội là những hoạt động mang tính từ thiện.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa công tác xã hội và hoạt động từ thiện thể hiện sâu sắc ở động cơ trợ giúp, phương pháp trợ giúp, yêu cầu về chuyên môn và kết quả của sự trợ giúp đó. Hoạt động từ thiện chủ yếu hướng tới giúp đỡ đối tượng giải quyết vấn đề tức thời như tặng quần áo, hỗ trợ lương thực... giúp họ tạm thời vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại. Công tác xã hội hướng tới mục đích cơ bản là trợ giúp cho các nhóm đối tượng như cá nhân, gia đình và cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn giải quyết vấn đề không chỉ tại thời điểm hiện tại mà còn giúp họ nâng cao năng lực và thúc đẩy khả năng tự giải quyết vấn đề, kết nối giữa người dân với hệ thống nguồn lực, dịch vụ và những cơ hội trong xã hội để họ có kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề trong tương lai một cách hiệu quả.

Các chức năng của CTXH đó là:

- Chức năng phòng ngừa: Ví dụ như những hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho cá nhân hay gia đình, việc cung cấp các kiến thức về HIV/AIDS hay kiến thức về ma tuý để phòng tránh... đều có ý nghĩa cho công tác phòng ngừa.

- Chức năng can thiệp: Ví dụ như hoạt động trợ cấp khi cộng đồng bị lũ lụt, thiên tai, hoạt động can thiệp bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ bị bạo hành, hoạt động tham vấn, trị liệu khủng hoảng khi một bé gái bị xâm hại tình dục... là hoạt động can thiệp giải quyết vấn đề.

- Chức năng phục hồi: Ví dụ như giúp những người đói nghèo xoá được đói, vượt khỏi nghèo; hỗ trợ người khuyết tật phục hồi các chức năng (sinh hoạt, lao động, xã hội); giúp trẻ lang thang trở về với gia đình; giúp người nghiện ngập, mại dâm trở lại cuộc sống bình thường, tái hoà nhập cộng đồng; trợ giúp những trẻ em bị vi phạm pháp luật được giáo dục hoà nhập...

- Chức năng phát triển: Ví dụ như các chương trình giải quyết việc làm, các dịch vụ đào tạo kỹ năng cho người thất nghiệp, hướng dẫn các gia đình nghèo làm kinh tế, chương trình tập huấn kỹ năng làm cha mẹ...

Như vậy, công tác xã hội KHÔNG PHẢI là hoạt động từ thiện, mà là hoạt động mang tính chuyên nghiệp, một nghề chuyên môn, nhằm trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao năng lực và tăng cường các chức năng xã hội, đồng thời thúc đẩy môi trường xã hội về chính sách, nguồn lực và dịch vụ, giúp mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành Công tác xã hội đượcquy định rõ tại Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.

Một số hoạt động của giảng viên và sinh viên Khoa Tâm lý Giáo dục và Công tác xã hội Trường Đại học Tân Trào

Chu Thị Mỹ Nga- Khoa Tâm lý GD&CTXH