Hội thảo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 - NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ngành Giáo dục
 
Chiều ngày 14/10/2022, Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức Hội thảo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 - NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ngành Giáo dục. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì. Tại điểm cầu Trường Đại học Tân Trào có TS. Vũ Quỳnh Loan - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện Phòng Tổ chức Chính trị và Phòng Đào tạo dự Hội thảo.

Đại biểu tại điểm cầu Trường Đại học Tân Trào dự Hỏi thảo 

Tại hội nghị, ông Trần Văn Thịnh - Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT – thông tin: Giai đoạn năm 2006 - 2021, Bộ đã triển khai, thực hiện một số Đề án đào tạo người đi học tại nước ngoài bằng học bổng ngân sách Nhà nước.

Cụ thể: Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (Đề án 322). Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020” (Đề án 911). Đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2020” (Đề án 599) và các chương trình học bổng Hiệp định.

Thông qua các đề án và chương trình học bổng do Bộ GD&ĐT quản lý nêu trên, đã có hơn 5.200 du học sinh công tác tại các cơ sở giáo dục đại học được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, bao gồm 799 thạc sĩ và trên 4.400 tiến sĩ.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – nhấn mạnh, mục tiêu của Nghị quyết 27–NQ/TW là xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đã ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của đội ngũ trí thức và xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ trí thức.

Theo Thứ trưởng, cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng; góp phần trực tiếp vào phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Ða số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước. Nhấn mạnh, đã là trí thức thì phải bắt đầu từ giáo dục, Thứ trưởng nhìn nhận, ngành Giáo dục có sứ mệnh quan trọng trong đào tạo, phát triển đội ngũ này. Phải đánh giá được sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục trong đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức.

Bên cạnh việc hoàn thiện môi trường, hành lang pháp lý, cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển đội ngũ trí thức. Nhà nước cần có nguồn lực đầu tư tương xứng để phát triển đội ngũ này, trong đó quan tâm đến giáo dục đại học và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.