TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Sáng ngày 24/11, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và tổ chức Tọa đàm: "Đào tạo và sử dụng lao động khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản - Thực trạng và Giải pháp". Chương trình được tổ chức tại Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên.
Lễ Ra mắt Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Tham dự chương trình có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương; Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các phòng ban của Hiệp hội; lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cùng đại diện các trường đại học đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trường Đại học Tân Trào có TS. Nguyễn Minh Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng, vì vậy, chúng ta càng phải nỗ lực hơn nữa để những sản phẩm đào tạo của các trường cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam ngày một phát triển chất lượng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang chia sẻ tại buổi lễ. (Ảnh: Nguyên Phương) |
"Có ba yếu tố cốt lõi trong nông nghiệp cũng như đào tạo nông nghiệp là hợp tác, liên kết và thị trường.
Và chính chúng ta, những cỗ máy cái đào tạo ra đội ngũ kỹ sư, bác sĩ thú y, cử nhân trong lĩnh vực này cũng cần liên kết và phát triển. Với ý nghĩa đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kết nối các trường thành lập câu lạc bộ, là một sự khởi đầu có trách nhiệm và tạo dựng một sự hợp tác phát triển bền vững", Phó Giáo sư Nguyễn Hưng Quang khẳng định.
Tại buổi lễ, ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng ban Hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường đã công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao quyết định thành lập Câu lạc bộ.
Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản đã quyết định cử Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên làm chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (thứ 4 từ phải qua trái) trao tặng quyết định, hoa chúc mừng cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Hội nghị cũng thống nhất bầu ra Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ lần thứ nhất. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) làm chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Các Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ là:
Tiến sĩ Vũ Ngọc Huyên - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam;
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp;
Tiến sĩ Khổng Trung Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nha Trang;
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế;
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ tại buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Chia sẻ với câu lạc bộ trong ngày ra mắt, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: "Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản là câu lạc bộ thứ 24 được thành lập.
Tôi muốn nhắc lại hai sứ mệnh của Hiệp hội: Thứ nhất, Hiệp hội làm cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối về giáo dục của Đảng, Nhà nước tới các trường, các cơ sở đào tạo; Thứ hai, Hiệp hội cũng đại diện cho các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tập hợp ý kiến, nguyện vọng của các trường để trình lên các cơ quan quản lý của Đảng, Nhà nước.
Mong rằng, câu lạc bộ của chúng ta đã được thành lập, các thành viên sẽ có nhiều hoạt động nổi bật, sáng tạo để hoàn thành sứ mệnh của mình.
Câu lạc bộ cần chủ động đề xuất những hoạt động thiết thực, đa dạng, gắn liền với hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động dịch vụ - xã hội để ngày càng phát triển khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản".
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng bày tỏ kỳ vọng câu lạc bộ sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa, đóng góp vào hoạt động chung của Hiệp hội, đưa nền giáo dục đại học có những bước tiến nhanh, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sinh viên tốt nghiệp ngành nông lâm không cung cấp đủ cho đơn vị tuyển dụng
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban chủ nhiệm đã tổ chức tọa đàm: Đào tạo và sử dụng lao động khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản - Thực trạng và Giải pháp.
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ khi nhận nhiệm vụ mới. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Giáo sư Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) kỳ vọng sự ra đời của câu lạc bộ sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác đào tạo giữa các trường đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đặc biệt là phát triển các chương trình trao đổi sinh viên.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay, nhu cầu nhân lực với các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là rất lớn, số lượng sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực này đang không cung cấp đủ cho các đơn vị tuyển dụng.
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển các ngành nông, lâm nghiệp đang rất thiếu. Thế nhưng những ngành học này lại đang khó thu hút sinh viên tham gia học tập. Đây chính là khó khăn chung của các trường hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề truyền thông chính sách, ngành học hiện cần phải được thực hiện tốt hơn. Vì hiện nay, người học chưa thực sự hiểu bản chất của các ngành học nông lâm, thủy sản.
Các cơ sở đào tạo cần phải khẳng định và chứng minh được vị thế của các ngành nông lâm nghiệp. Cụ thể, phải chứng minh được sinh viên sau khi ra trường có việc làm, từ đó khẳng định được chất lượng đào tạo và sẽ thu hút người học.
Giáo sư Nguyễn Thanh Phương chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Giáo sư Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ kiến nghị, để người học hiểu rõ hơn về các ngành học, các trường nên đổi tên, thay đổi một số chương trình học. Ví dụ như ngành Khoa học thủy sản, người học rất mơ hồ và không biết ngành này sẽ học gì và ra làm gì.
Bên cạnh đó, cần có các chương trình học bổng hỗ trợ sinh viên học tập một số ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần có các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành học này.
Ngoài ra các chuyên gia cũng đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thông tin: khảo sát, công khai thông tin đào tạo các trường; có cơ chế chia sẻ chi phí đào tạo và có chính sách về học phí, cơ chế đặt hàng đào tạo/giao nhiệm vụ một số ngành đặc thù.
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ, nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy nhiều nguyên nhân khiến các ngành nông lâm, thủy sản chưa thực sự thu hút người học, và cần sớm có giải pháp, đề xuất với Nhà nước hỗ trợ người học đối với các ngành học nông lâm, thủy sản.
Đồng thời, các trường cũng cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của trường mình, từ đó mới cải thiện được hoạt động tuyển sinh.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng đồng hành với Câu lạc bộ để có tiếng nói với cơ quan quản lý, Nhà nước về những đề xuất phát triển đào tạo hoạt động đào tạo của các trường. Vụ Giáo dục Đại học đánh giá rất cao tiếng nói và sự đóng góp của Hiệp hội trong thời gian qua.
Đặc biệt, bản thân các trường phải có tiếng nói đóng góp, đề xuất, phản biện chính sách vì mục tiêu phát triển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng khẳng định sự điều tiết của cơ quan Nhà nước là vô cùng quan trọng để "cứu" những ngành khoa học cơ bản. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (Ban Tuyên giáo Trung ương) chia sẻ, bên cạnh giải quyết bài toán tuyển sinh, các trường vẫn phải hướng tới tầm nhìn tương lai, trở thành những đại học đúng nghĩa.
Để trở thành trường đại học đúng nghĩa và có tầm nhìn, các trường cần đẩy mạnh tự chủ đại học; thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ giải quyết bài toán địa phương và đất nước; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về STEM, đặc biệt các trường đại học cần có sự gắn kết với các trường phổ thông thông qua các buổi tham quan, trải nghiệm, thực hành và thực hiện giáo dục hướng nghiệp.
Phó Giáo sư Lê Huy Hoàng bày tỏ sự đồng tình với những đề xuất lãnh đạo các trường đại học, đối với các ngành nông lâm, thủy sản đang gặp khó khăn trong tuyển sinh, phải khẳng định sự điều tiết của cơ quan Nhà nước là vô cùng quan trọng để "cứu" những ngành học cần thiết nhưng người học chưa thực sự hiểu những ngành học này
Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ tham mưu với những Nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến các vấn đề giáo dục đào tạo và quản lý giáo dục. Vụ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những phối hợp nhất định, chỉ đạo cơ quan báo chí có những thông tin đúng và trúng liên quan đến khó khăn nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hay vấn đề chiến lược, tuyển sinh. Từ đó sẽ có sự lan tỏa, truyền thông đúng và tốt hơn.
Chương trình ra mắt Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và tọa đàm kết thúc thành công tốt đẹp. (Ảnh: Nguyên Phương) |
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng khẳng định Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các trường, sẽ có kiến nghị gửi các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước xung quanh một số chính sách phát triển giáo dục các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Hi vọng sẽ có tác động, thúc đẩy tạo ra nguồn nhân lực đồng bộ cho lĩnh vực này để đưa ngành nông nghiệp, lâm nghiệp có những bước tiến mới.