TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂN TRÀO - TỈNH TUYÊN QUANG
Địa chỉ: Km 6, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 892 012 - Email: dhtt@tqu.edu.vn
Bộ Tài chính có văn bản số 9365/BTC-HCSN gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo việc thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên sư phạm.
Theo đó, văn bản của Bộ Tài chính nêu, ngày 12/8/2022, Bộ Tài chính nhận được công văn số 3763/BGDĐT- KHTC ngày 10/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, xây dựng lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 03 giai đoạn 2023-2025; trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất dự toán kinh phí thực hiện Hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm theo quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 /9/2020 của Chính phủ (Nghi định số 116) đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc là 2.660 tỷ đồng, tăng 1.752 tỷ đồng (200%) so với số kinh phí phân bổ năm 2021 (908 tỷ đồng); để phối hợp thực hiện hiệu quả chính sách, ưu tiên hỗ trợ sinh viên sư phạm gắn với nhu cầu sử dụng thực tế của xã hội, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Ảnh minh hoạ |
Thứ nhất, Bộ Tài chính đã có các văn bản số 12292/BTC-HCSN ngày 27/10/2021 gửi Văn phòng Chính phủ và số 12830/BTC-HCSN ngày 9/11/2021 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 116, trong đó nêu rõ:
Quá trình triển khai Nghị định 116 cho thấy phát sinh nhiều vướng mắc liên quan tới việc hướng dẫn triển khai chậm, vấn đề quy hoạch tổng thể về nhu cầu đào tạo sư phạm theo từng phương thức đào tạo, đảm bảo sự gắn kết giữa việc đào tạo, sử dụng kinh phí với việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo, vấn đề triển khai thực hiện của các địa phương và các cơ sở đào tạo;
Kiến nghị: Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm trong việc chậm triển khai hướng dẫn Nghị định 116; cần khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể về nhu cầu đào tạo sư phạm theo từng phương thức đào tạo đảm bảo sự gắn kết giữa việc đào tạo, sử dụng kinh phí với việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo.
Về việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách: Đối với dự toán kinh phí năm 2021: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp cụ thể nhu cầu ngân sách nhà nước chi đặt hàng, giao nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ của ngân sách địa phương, chi tiết từng địa phương, phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo đối với cơ sở đào tạo của các Bộ, cơ quan trung ương (đối với nhóm đối tượng đào tạo theo nhu cầu); đánh giá tác động và đề xuất phương án hỗ trợ. Từ đó căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung ương, Bộ Tài chính mới có cơ sở trình cấp thẩm quyền phương án hỗ trợ cụ thể.
Đối với dự toán kinh phí năm 2022:
Đối với ngân sách địa phương: Kinh phí thực hiện Nghị định 116 tại các địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại (định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước đã bao gồm kinh phí thực hiện chính sách này).
Đối với ngân sách trung ương: Bộ Tài chính đã báo cáo cấp có thẩm quyền cân đối nguồn kinh phí để thực hiện chính sách theo quy định tại nghị định 116 và bố trí trong dự toán năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan trung ương có cơ sở đào tạo theo nguyên tắc như đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các nội dung kiến nghị nêu trên, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xác định cụ thể phần kinh phí do ngân sách trung ương đảm bảo đối với cơ sở đào tạo của các Bộ, cơ quan trung ương (đối với nhóm đối tượng đào tạo theo nhu cầu) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung kinh phí còn thiếu (nếu có).
Đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản phúc đáp của Văn phòng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về các công văn đã có ý kiến nêu trên.
Thứ hai, về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 116, Bộ Tài chính nêu:
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân vướng mắc trong triển khai Nghị định 116 thời gian qua là chưa phân biệt rõ sự khác nhau của việc xác định 02 chỉ tiêu “đào tạo theo nhu cầu xã hội” với chỉ tiêu “đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ của các địa phương”, trong khi việc đào tạo theo nhu cầu xác hội cũng chủ yếu cần xuất phát từ chính nhu cầu đặt hàng, sử dụng của chính các địa phương.
Từ đó, việc xác định tỷ lệ chỉ tiêu đào tạo 90%/10% tương ứng với 02 chỉ tiêu nêu trên như Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thời gian qua là chưa phù hợp; từ đó dẫn đến, không những gây áp lực đối với ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách trung ương nói riêng (riêng đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo: năm 2021 kinh phí đã bố trí thực hiện chính sách là 652 tỷ đồng; năm 2022 kinh phí đã bố trí thực hiện chính sách là 908 tỷ đồng, bằng 140% số kinh phí bố trí năm 2021, dự kiến đạt 50% nhu cầu; năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bố trí dự toán là 2.660 tỷ đồng, bằng 292% số kinh phí bố trí năm 2022, tăng thêm 1.722 tỷ đồng), mà còn thiếu tính hiệu quả, lãng phí nguồn lực và tạo áp lực xã hội vì cần phải bố trí nơi làm việc đối với số học sinh, sinh viên sư phạm sau khi được đào tạo xong.
Theo quy định của Nghị định 116 thì hàng năm Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên…. Chi trả kinh phí thực hiện quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên theo đúng định mức quy định (Điều 11).
Đến nay Nghị định 116 đã ban hành được 2 năm. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo: chủ động hướng dẫn các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện:
Rà soát, quy hoạch tổng thể về nhu cầu đào tạo sư phạm theo từng phương thức đào tạo đảm bảo sự gắn kết giữa việc đào tạo, sử dụng kinh phí với việc sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo;
Khẩn trương phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể quá trình triển khai thực hiện chính sách, báo cáo Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, tránh tình trạng chậm muộn trong quá trình thực hiện chính sách, gây tác động xã hội. Trong đó làm rõ các vấn đề vướng mắc cụ thể, trách nhiệm của các đơn vị liên quan (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân các địa phương, các cơ sở đào tạo giáo viên), đề xuất phương án tháo gỡ đảm bảo tuân thủ nguyên tắc quản lý ngân sách ngân sách nhà nước theo phân cấp quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành có liên quan (Luật ngân sách nhà nước, Nghị định 116…), cụ thể:
Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo nhu cầu của địa phương. Địa phương có nhu cầu về giáo viên, xác nhận nhu cầu đào tạo và xác nhận đặt hàng thì địa phương phải có trách nhiệm thực hiện chi trả theo đúng quy định của Nghị định 116.
Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) của các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan trung ương;
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát về kinh phí thực hiện chính sách, đảm bảo việc bố trí kinh phí theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nhu cầu của xã hội và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.