Để phổ cập GDMN 3-5 tuổi, cần thêm chính sách ưu tiên đối với giáo viên hợp đồng
 
Hiện nay, một số địa phương đang thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên mầm non ở vùng sâu vùng xa do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi để lấy ý kiến.

Theo quan điểm của lãnh đạo ngành giáo dục một số địa phương, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi nếu thành công sẽ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

Nhiều lợi ích thiết thực khi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, trẻ 5 tuổi huy động ra lớp đạt tỉ lệ 100%; trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non và trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt tỉ lệ 100%; trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục đạt tỉ lệ 100%; trẻ đi học chuyên cần đạt tỉ lệ 95 - 98%.

thanh tú.jpg

Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC.

Theo ông Tú, chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi sẽ tác động mạnh mẽ trong việc việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và bảo đảm quyền lợi cho trẻ em.

“Nếu phổ cập thành công, mạng lưới trường lớp sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển, cơ sở vật chất, trường lớp được quan tâm, đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa và được đáp ứng trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho giáo dục mầm non theo quy định.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo về số lượng, từng bước được nâng cao về năng lực và trình độ đào tạo. Chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non nhiều hơn, góp phần nâng cao đời sống, giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề", ông Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum thông tin, Kon Tum đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2016.

Đến nay, có 102/102 xã, phường, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

100% trường, nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non, tổ chức học 2 buổi/ngày; 100% trẻ dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt; 100% trẻ được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành.

z5625237104893_13222ca2a62fc4fd445d78a29d79adf5.jpg

Bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC.

Theo bà Vân, chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là cần thiết và đảm bảo sự quan tâm của Nhà nước đối với bậc mầm non.

Trẻ em độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) đến lớp học là phù hợp nhu cầu học tập, giao tiếp và phát triển của các em. Trẻ sẽ được phát triển toàn diện khi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo khoa học, được tiếp xúc, trải nghiệm với bạn bè cùng độ tuổi.

Hơn nữa, hiện nay tại các vùng khó khăn, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số, trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non muộn, dẫn đến thiếu hụt ở các khía cạnh phát triển nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp. Vì vậy, thực hiện phổ cập cho trẻ 3-5 tuổi góp phần giúp trẻ phát triển, tiếp cận tiếng Việt sớm hơn, được chuẩn bị đầy đủ trước khi vào học lớp 1.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Chu Thị Ngoan - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua nhà trường luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lên kế hoạch triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3-4 tuổi. Đồng thời nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tới tất cả cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.

Do làm tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non, nhiều năm liền, Trường Mầm non Phú Mãn đã huy động được 100% trẻ 3-5 tuổi ra lớp. Cán bộ làm công tác phổ cập đều hiểu và nắm bắt rõ tình hình con em trên địa bàn xã nên không tồn tại quá nhiều khó khăn. Nếu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 tuổi có thể giúp các em vào nề nếp từ sớm. Từ đó, tạo tiền đề để việc học các lớp trên được thuận lợi hơn.

Để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi cần chuẩn bị những gì?

Để chuẩn bị nguồn lực cho công tác phổ cập, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát, phát triển mạng lưới trường lớp mầm non phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Cụ thể, đơn vị sẽ tham mưu ủy ban nhân dân huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, rà soát, quy hoạch quỹ đất để xây dựng trường mầm non. Quan tâm đầu tư xây mới các phòng học, phòng chức năng, công trình vệ sinh khép kín và chia theo giới tính phù hợp với trẻ, đảm bảo hệ thống nước sạch, bếp ăn một chiều.

Ngoài ra, đơn vị tiếp tục tham mưu ủy ban nhân dân huyện mua sắm, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đảm bảo theo quy định. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng học, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ,...

Về đội ngũ giáo viên, ông Nguyễn Thanh Tú cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My sẽ tham mưu ủy ban nhân dân huyện tổ chức thi tuyển viên chức để đảm bảo số lượng giáo viên/lớp theo quy định.

Cùng với đó, đơn vị tiếp tục tăng cường các giải pháp về đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với giáo dục mầm non. Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.

Về chương trình giáo dục mầm non tại vùng khó khăn, giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số được bồi dưỡng phương pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1.

Hoạt động góc.jpg

Hoạt động dạy và học ở trường mầm non trên địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Thu Vân khẳng định, nếu Nghị quyết được ban hành, đơn vị sẽ tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh thông qua các kế hoạch, chương trình đảm bảo phổ cập giáo dục cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi đạt hiệu quả theo một số nội dung như:

Thứ nhất, phát triển mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ em mẫu giáo, ưu tiên chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển trường, lớp học vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Thứ hai, bố trí, tuyển dụng đủ giáo viên theo quy định, bảo đảm tối thiểu có 02 giáo viên/lớp để nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ 3-5 tuổi. Đảm bảo các chính sách, ưu đãi về tuyển dụng, lương đối với đội ngũ giáo viên mầm non thực hiện phổ cập giáo dục theo quy định.

Thứ ba, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, đẩy mạnh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hàng năm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Còn tồn tại nhiều rào cản và thách thức

Theo ông Cao Thanh Tú, điều kiện thực tế tại huyện Bắc Trà My vẫn còn một số khó khăn nhất định như diện tích sân chơi ở một số trường mầm non, mẫu giáo còn chật hẹp. Công trình vệ sinh, bếp ăn cơ bản đủ để phục vụ cho các đơn vị trường học, tuy nhiên chưa đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định. Đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học phục vụ cho giáo dục mầm non còn thiếu.

Hệ thống thông tin phổ cập giáo dục - xóa mù chữ không tiếp tục triển khai thực hiện để phục vụ công tác điều tra. Từ đó, gây nhiều khó khăn trong việc cập nhật và thống kê số liệu từ huyện đến các xã.

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn được ông Tú lý giải, do trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, dân cư sống thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khá cao; Giao thông đi lại ở giữa điểm chính đến một số thôn ở các xã còn khó khăn.

Thêm vào đó, kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo còn thấp, chưa bảo đảm bữa ăn đủ năng lượng, cân đối các chất dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Đối với tỉnh Kon Tum, bà Huỳnh Thị Thu Vân cho biết, tại địa bàn tỉnh tồn tại một số khó khăn như tỉ lệ huy động trẻ nhà trẻ, mẫu giáo 3 tuổi ở một số địa bàn còn thấp, tập trung ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi còn cao tại một số huyện.

Về đội ngũ, đa số cơ sở giáo dục mầm non không đủ số lượng giáo viên, nhân viên theo quy định. Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục vùng sâu vùng xa thường xuyên có sự biến động.

Về cơ sở vật chất, nhiều đơn vị trường còn thiếu phòng chức năng, phòng học so với số trẻ thực tế. Một số điểm lẻ cách xa điểm trung tâm, đường xá đi lại khó khăn như các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông.

co van 3.jpg

Một số điểm trường mầm non cách xa trung tâm, đường xá đi lại, cơ sở vật chất khó khăn ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC.

Một số điểm trường lẻ ở huyện Đắk Glei đang phải sử dụng phòng tạm. Một số điểm thôn chưa có công trình vệ sinh, nước sạch như ở huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông. Công tác huy động xã hội hóa giáo dục còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, cô Chu Thị Ngoan cho hay, khó khăn lớn nhất là trên địa bàn xã Phú Mãn là đa số các hộ gia đình là người dân tộc Mường di cư đến. Đôi khi họ sống khép kín, không hiểu ý nghĩa của phổ cập giáo dục mầm non nên khi cán bộ, giáo viên nhà trường đi làm công tác điều tra, nhiều hộ dân tỏ ra khá nghi ngại và không hợp tác với cán bộ giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ.

Để hoàn thành tốt phổ cập giáo dục mầm non, cô Ngoan cho rằng, công tác phối hợp giữa công an xã với nhà trường cần sâu sát hơn để nắm bắt thông tin của trẻ em trên địa bàn. Một số trẻ em sinh ra tại xã Phú Mãn nhưng sau đó gia đình chuyển đi nơi khác để ở cũng khiến nhà trường gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin phổ cập vì không nắm được thông tin trẻ đã chuyển đi.

Nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non của các địa phương

Với thực trạng nhiều người học giáo dục mầm non ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, ông Cao Thanh Tú cho biết, huyện Bắc Trà My đã nỗ lực thu hút và giữ chân giáo viên mầm non bằng nhiều biện pháp. Ủy ban nhân dân huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên hợp đồng tại các đơn vị trường học còn thiếu định mức giáo viên theo quy định.

“Ngoài ra, đơn vị vận động giáo viên duy trì hợp đồng liên tục khi ủy ban nhân dân huyện chưa tuyển đủ số lượng giáo viên theo quy định. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thời gian, sắp xếp công việc hợp lý để giáo viên đủ điều kiện tham gia thi tuyển theo quy định”, ông Tú thông tin.

Hoạt động phát triển thể chất.jpg

Hoạt động phát triển thể chất cho trẻ mầm non tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: NVCC.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên mầm non, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My kiến nghị một số giải pháp:

Thứ nhất, cần tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt, nhằm thu hút đội ngũ tham gia giáo dục mầm non và giúp các giáo viên an tâm công tác.

Thứ hai, có cơ chế đặc thù với giáo viên công tác tại miền núi, tình nguyện viên công tác tại miền núi và ở lại lâu dài nơi vùng khó khăn.

Thứ ba, cần giảm độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non xuống 5 tuổi so với Luật Lao động hiện nay.

Thứ tư, đề nghị đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề lao động nặng nhọc.

Thứ năm, quy định rõ giảm định mức giờ làm đối với giáo viên mầm non, chi trả chế độ nếu tăng giờ.

Thứ sáu, có cơ chế chuyển xếp lương đối với giáo viên hợp đồng và được hưởng chế độ chính sách như giáo viên biên chế, qua đó giúp giáo viên yên tâm công tác.

Thứ bảy, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non.

Cùng bàn về vấn đề này, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết, địa phương đang thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên mầm non ở vùng sâu vùng xa do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Ngoài ra, địa phương còn thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên đáp ứng trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên theo Luật Giáo dục 2019.

bac tra my.jpg

Các địa phương đang nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau để thu hút và giữ chân giáo viên mầm non. Ảnh: NVCC.

Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đề xuất Bộ Nội vụ cần đảm bảo chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nhân viên còn thiếu cho ngành giáo dục tỉnh Kon Tum, không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, cũng như đào tạo dựa vào nhu cầu xã hội theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Qua đó đảm bảo số lượng giáo viên tại chỗ, đáp ứng việc thực hiện phổ cập cho trẻ em mầm non từ 3-5 tuổi.

Bà Huỳnh Thị Thu Vân cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ xem xét tham mưu Chính phủ có quy định, hướng dẫn cụ thể về chính sách đặc thù tuyển dụng đối với sinh viên sư phạm được đào tạo theo hình thức trên (tại Điều 6 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức chưa quy định đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng viên chức) sao cho phù hợp. Mục tiêu để các sinh viên sau khi tốt nghiệp được xét, tuyển dụng làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non.

giaoduc.net.vn