KẾT HỢP GIỮA LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN TRONG DẠY HỌC BỘ MÔN PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TIẾNG VIỆT Ở TIỂU HỌC
 
Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học bộ môn Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học, tháng 5/2014 tổ Ngữ văn khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Tân Trào đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu các trường Tiểu học Lăng Quán, Trung Môn huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang về việc đánh giá chất lượng dạy học Tiếng Việt Tiểu học của chương trình VNEN (mô hình trường học mới Việt Nam), chương trình Tiếng Việt 1 theo công nghệ giáo dục với phương pháp và hình thức dạy học mới.

Để có sự định hướng sát thực gắn liền giữa lí luận và thực tiễn giảng dạy ở trường phổ thông, việc tìm hiểu và đánh giá thực tiễn giảng dạy ở phổ thông rất cần thiết, từ đó vận dụng có hiệu quả trong dạy học bộ môn phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học tại khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Tân Trào.

                                              

Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Tân Trào làm việc với Ban giám hiệu và giáo viên trường Tiểu học Lăng Quán huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang.

                   Mô hình trường học mới VNEN là kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại. Mô hình này dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới giáo dục của quốc tế, vận dụng cách làm của giáo dục Colombia một cách sáng tạo, phù hợp với mục tiêu  phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Mô hình này đã được UNICEP, UNESCO, Ngân hành thế giới (WB) ủng hộ và đánh giá cao. Mô hình đang được trải nghiệm từ lớp 2 đến lớp 4 tính đến năm học 2013-2014. Năm học 2014-2015 sẽ thí điểm lớp 5 và được nhân rộng trong cả nước trong những năm tiếp theo.

          Sau khi nghiên cứu chương trình và phương pháp dạy học Tiếng Việt Tiểu học theo VNEN và dạy học Tiếng Việt 1 theo công nghệ, kết hợp trao đổi ý kiến với Ban giám hiệu một số trường Tiểu học chúng tôi cho rằng chương trình mới này cùng với phương pháp dạy học đã coi trọng việc tự học của học sinh, phát huy được tính chủ động của các em, đặc biệt là rèn luyện cho các em phương pháp tự học, sáng tạo, do đó học sinh sẽ có kết quả học tập tốt hơn.

          Mô hình trường học mới VNEN có cách thức tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường rất sáng tạo. Phát huy được tinh thần chủ động, tinh thần tập thể và hợp tác của các em học sinh. Các em được học nhóm, sinh hoạt nhóm và tự quản trong nhà trường.

          Chương trình Tiếng Việt 1 theo công nghệ được giáo viên trường phổ thông đánh giá rất cao về chất lượng. Học sinh tiếp thu kiến thức, kĩ năng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Học sinh tích cực học tập, giáo viên hài lòng về chương trình và phương pháp giảng dạy theo chương trình này.

HS trường Tiểu học Lăng Quán huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang đang học Tiếng Việt 1theo công nghệ giáo dục

          Trong thời điểm hiện tại, ở trường Tiểu học đang tiến hành dạy học chương trình đại trà và thí điểm một số chương trình Tiếng Việt  như:  VNEN, công nghệ Tiếng Việt 1, việc trang bị cho sinh viên những hiểu biết về các chương trình Tiếng Việt hiện hành, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học tại khoa Giáo dục Tiểu học trường Đại học Tân trào tỉnh Tuyên Quang.

Bùi Ánh Tuyết