Trường Đại học Tân Trào làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội
 
Chiều ngày 16/3/2017, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với trường Đại học Tân Trào về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và những ưu điểm, hạn chế của Luật Giáo dục Đại học.

Tiếp đoàn có PGS.TS Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng; TS. Trần Thị Lệ Thanh - Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Khải Hoàn - Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo các khoa, phòng, ban, trung tâm trực thuộc Nhà trường.

Tại buổi làm việc PGS.TS Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào đã trình bày báo cáo, đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đại học; Thực trạng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của Nhà trường; Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Nhà trường đối với việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đại học.

Trường Đại học Tân Trào được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Tuyên Quang, bên cạnh thuận lợi về bề dày truyền thống, Nhà trường cũng gặp những thách thức về việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức để đáp ứng yêu cầu đào tạo của trường Đại học đa ngành, chất lượng cao. Hiện Nhà trường đã từng bước nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tính đến nay, Nhà trường có 311 cán bộ, giảng viên, trong đó giảng viên trực tiếp giảng dạy là 218 người (trình độ Thạc sĩ trở lên là 189 người, 47 người đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, theo lộ trình đến năm 2018 đội ngũ Tiến sĩ của nhà trường sẽ đạt 20%) nhân viên hành chính là 93 người. Nhà trường đào tạo gần 45 ngành từ Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và sau Đại học với tổng số gần 5000 sinh viên.

Nhiều năm qua, trường Đại học Tân Trào luôn thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Nhà trường có những chính sách khuyến khích tạo động lực phấn đấu làm việc và tinh thần đoàn kết trong đội ngũ cán bộ viên chức của trường.

Trên cơ sở phân tích các vấn đề trên, trường Đại học Tân Trào có một số đề xuất, kiến nghị: cho phép Nhà trường có phương án cơ chế đặc thù trong việc tuyển dụng, sử dụng cán bộ, giảng viên; Đầu tư kinh phí cho Nhà trường để các giảng viên được học tập, nâng cao trình độ; Đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động các phòng thí nghiệm hiện đại; Tạo cơ chế ưu tiên giao, “đặt hàng” cho trường một số nhiệm vụ khoa học – công nghệ trong Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ  của tỉnh; Có chính sách đãi ngộ phù hợp về tuyển dụng.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận làm sâu sắc thêm các nội dung liên quan; đặc biệt là các định hướng phát triển khi trường Đại học Tân Trào sát nhập thêm trường Trung học kinh tế - kỹ thuật và trường Trung cấp Y tế ; việc đảm bảo nguồn nhân lực khi trở thành trường Đại học đào tạo đa ngành.

Buổi làm việc kết thúc thành công tốt đẹp và thu nhận được nhiều thông tin bổ ích.