Trường Đại học Tân Trào trên lộ trình phát triển - Một vài suy nghĩ và trao đổi đầu xuân
 
Gần chín năm thành lập Đại học Tân Trào, lộ trình được phân định khá rõ nét, hai năm đầu (2014, 2015) để ổn định, năm năm tiếp theo (2016-2021) chuẩn bị cho sự phát triển và giai đoạn 2022-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc để phát triển.

Sau năm (5) năm chuẩn bị, chúng ta đã có gì làm hành trang?

(1) Nguồn nhân lực ban đầu lúc thành lập chỉ có 03 tiến sĩ, nay là 58 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II;

(2) Ngành nghề đào tạo sau thành lập là 6 ngành thì nay là 24 ngành ở tất cả các lĩnh vực;

(3) Hình thành được 3 (ba) cơ sở thực hành cho các ngành gồm nông lâm nghiệp (Trung tâm thực hành thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ), ngành Y-Dược (Phòng khám Đa khoa, Nhà thuốc Đại học Tân Trào) và ngành Sư phạm (Trường phổ thông Tuyên Quang);

(4) Từ chỗ không có nhiều đề tài NCKH cấp cao, bài báo quốc tế thì giai đoạn 2016-2021 đã có trên 1.400 sản phẩm được thực hiện, trong đó có trên 50 đề tài NCKH cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh, gần 1.000 bài báo khoa học trong đó hàng trăm bài công bố trong tạp chí quốc tế xếp hạng trong danh mục ISI, Scopus. Tạp chí khoa học ĐHTT được tính điểm IF và có mặt trong hệ thống VN Citation Index. Hàng năm cung cấp cho thị trường hàng triệu cây giống nông lâm nghiệp, sản phẩm dược liệu công nghệ cao;

(5) Đạt chuẩn Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học năm 2019, đạt chuẩn kiểm định chất lượng 3 (ba) Chương trình đào tạo năm 2021;

(6) Hợp tác quốc tế giai đoạn sau thành lập đại học tăng mạnh và hiệu quả, từ 02 đối tác năm 2013 lên đên gần 30 trường đại học, học viện, địa phương của các nước trên thế giới;

(7) Chất lượng đào tạo được cải thiện rõ rệt, số sinh viên ra trường có việc làm đạt trung bình theo số liệu khảo sát năm 2021 là 93,7%;

(8) Là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện bồi dưỡng và cấp hàng triệu chứng chỉ các loại cho cán bộ, viên chức ngành giáo dục và các ngành khác của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận;

(9) Giảng viên và học sinh, sinh viên của Nhà trường đã tham gia rõ nét vào các hoạt động lớn của hệ thống các trường đại học, của tỉnh Tuyên Quang, hỗ trợ các sở, ngành của tỉnh trong nhiều hoạt động, làm tốt công tác phục vụ cộng đồng theo sứ mạng của một trường đại học.

(10) Giai đoạn trung hạn 2021-2025, Nhà trường được Chính phủ dành nguồn vốn đầu tư theo Chương trình Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số 250 tỷ đồng cho việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sự phát triển của các ngành Y-Dược, Văn hóa-Du lịch và Nông lâm nghiệp.

Với những hành trang trên, chúng ta cần phải làm gì trong giai đoạn tiếp theo?

(1) Với phát triển nguồn nhân lực: Chúng ta không thể chỉ bằng lòng với số lượng 58 tiến sĩ hiện tại. Chúng ta chưa có quyền lựa chọn ưu tiên đào tạo đội ngũ tiến sĩ cho ngành này hay ngành khác, đơn giản là vì chúng ta chưa có đủ nhiều tiến sĩ để tính toán việc này, với Đại học Tân Trào trong giai đoạn 2022-2025 bất kể có thêm tiến sĩ nào cũng là rất quý, hiện nay chúng ta chỉ có ~28% số GV trực tiếp giảng dạy là tiến sĩ, chỉ bằng mức sàn trung bình chung của các trường đại học trong cả nước. Chúng ta cũng không nên đồng nhất giữa việc đã là tiến sĩ là phải giảng dạy, nghiên cứu khoa học giỏi. Nên thay đổi tư duy về cách nhìn nhận một tiến sĩ để không có sự cào bằng. Tiến sĩ được đào tạo nghiên cứu trong một chuyên môn rất hẹp, rất sâu không có sự phủ khắp toàn bộ các lĩnh vực hay chương trình đào tạo nhưng khác với những cấp bậc đào tạo thấp hơn, tiến sĩ được cung cấp tầm nhìn rộng hơn cho từng lĩnh vực, có cách tiếp cận tốt hơn với những nhu cầu và thực tiễn khoa học và hơn hết, tiến sĩ đem lại cho trường đại học một giá trị để đại học phát triển, vì vậy giá trị của tiến sĩ khác với các bậc đào tạo thấp hơn và điều này cũng đã được lượng hóa trong Luật và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Để làm một nghiên cứu sinh, tiến sĩ là cả một hành trình dài, vất vả, gian khổ cả về tinh thần, vật chất đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng vô bờ bến. Chúng ta phải thay đổi nhận thức và hỗ trợ nhiều hơn nữa, cao hơn nữa, có mức đãi ngộ xứng đáng hơn nữa cho các nghiên cứu sinh, tiến sĩ, có như vậy chúng ta mới có được đội ngũ tiến sĩ đông đảo như mong đợi. Việc đãi ngộ nghiên cứu sinh, tiến sĩ trong thời gian tới cần phải được tiếp tục.

(2) Công tác Đảm bảo chất lượng và Kiểm định chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động. Nhiệm vụ này đã được Luật giáo dục và giáo dục đại học quy định. Các trường phổ thông, không/hoặc chưa kiểm định vẫn tồn tại, nhưng với các trường đại học đó là việc phải làm và phải công bố công khai cho xã hội và đó cũng là tiêu chí để người học lựa chọn, để xã hội và các cơ quan chức năng đánh giá và hơn thế, đảm bảo và kiểm định chất lượng sẽ là một khẳng định về sự tồn tại của các trường đại học.

(3) Hoạt động nghiên cứu khoa học phải được đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải xiết chặt để đảm bảo chất lượng. Tôn trọng những giá trị thực của một sản phẩm khoa học là một sự động viên lớn đối với các nhà khoa học, đánh giá đúng mức một sản phẩm khoa học cũng là một sự khích lệ với các nhà khoa học chân chính khi có những sản phẩm tốt. Chúng ta cần có thêm nhiều công bố trong các tạp chí ISI hay Scopus, càng nhiều càng tốt và như vậy xếp hạng của đại học sẽ càng cao nhưng nếu thấy chưa thể vững vàng là first author hay corresponding author thì bước đầu chúng ta hãy ở vai đồng tác giả, có như vậy, chính sách, cơ chế tốt của Nhà trường về nghiên cứu, đồng thời sự tự trọng và đạo đức khoa học mới được đề cao, nếu thay đổi được tư duy này, hoạt động nghiên cứu khoa học của Đại học Tân Trào chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ.

(4) Nguồn kinh phí chương trình mục tiêu của Chính phủ cần được quản lý và sử dụng hiệu quả. Đó là nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị, không phải dành để chi cho con người. Nhưng nếu Trường ĐHTT có cơ sở hạ tầng khang trang, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, chắc chắn sẽ là nơi lựa chọn cho người học, người làm việc và cán bộ nghiên cứu trong tương lai, như vậy Trường Đại học mới phát triển và phục vụ được tốt hơn cho cộng đồng.

(5) Cuối cùng, Trường Đại học Tân Trào trong thời gian tới rất cần một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có trình độ cao, có sự quyết đoán mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quy tụ được lòng tin và sự cống hiến của cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà khoa học trong và ngoài nhà trường và hơn hết là tạo được sự đoàn kết trong Nhà trường, tất cả vì đại học. Có như vậy, Trường ĐHTT mới phát triển bền vững trong tương lai.

Một số suy nghĩ đầu xuân về trường đại học thân yêu của chúng ta, một trường đại học duy nhất trên quê hương cách mạng - Đại học Tân Trào.

Trân trọng cảm ơn các bạn và đồng nghiệp đã và đang đồng hành cùng Đại học Tân Trào.

PGS.TS. Nguyễn Bá Đức