Xây dựng Trường Đại học Tân Trào xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng
 
Trong những ngày Tháng Tám lịch sử này, một tin vui đã đến với Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đó là Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trường Đại học Tân Trào trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang.

Nhân sự kiện này, phóng viên (P.V) Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tuyên Quang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thành lập trường đại học cấp tỉnh. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

P.V: Thưa đồng chí, được biết mục tiêu thành lập Trường Đại học Tân Trào đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặt ra từ nhiều năm qua. Vậy, xin đồng chí cho biết quá trình chuẩn bị cho việc thành lập trường đại học được thực hiện như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Bá Đức: Tháng 7-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và Thủ tướng đã đồng ý cho thành lập trường đại học tại tỉnh Tuyên Quang. Năm 2010, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định, “phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong những lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Đảng bộ Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang đã thống nhất quyết tâm chuẩn bị mọi nguồn lực để thành lập trường đại học. Để phù hợp với nhiệm vụ đào tạo đa ngành, nhà trường đã lập Đề án đổi tên trường, ngày 30-6-2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định cho Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang được đổi tên thành Trường Cao đẳng Tuyên Quang.

Sau một thời gian chuẩn bị, căn cứ vào các điều kiện thành lập trường đại học theo Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xác định hiện trạng về giảng viên, về đất đai, về cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Tuyên Quang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã Nghị quyết triển khai xây dựng Đề án tiền khả thi thành lập trường đại học mang tên Tân Trào trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang, giao UBND tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện. Ngày 27-12-2011, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã ký Quyết định số 1765/QĐ-CT thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh xây dựng đề án thành lập trường đại học do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, đơn vị thường trực là Trường Cao đẳng Tuyên Quang, ủy viên là lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan trong tỉnh.

Đầu tháng 3-2012 Đề án tiền khả thi đã hoàn thành và ngày 14-3-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề nghị đưa tỉnh Tuyên Quang vào Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cho phép thành lập Trường Đại học Tân Trào trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang.

Trên cơ sở xem xét các điều kiện của trường theo Đề án tiền khả thi, ngày 25-3-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập tờ trình trình Chính phủ, ngày 28-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt chủ trương thành lập Trường Đại học Tân Trào trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang.

Sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo rà soát các điều kiện thực tế, đối chiếu với các quy định tiêu chuẩn thành lập đại học, xây dựng Đề án khả thi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Ngày 25-5-2013 Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ có liên quan đã thẩm định đề án khả thi. Ngày 6-8-2013, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký tờ trình số 997/TTr-BGDĐT trình Thủ tướng Chính phủ và ngày 14-8-2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1404/QĐ-TTg thành lập Đại học Tân Trào trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Tuyên Quang.

Sau gần 2 năm chuẩn bị, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự quyết tâm cao độ của các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng đề án thành lập trường đại học cấp tỉnh, Trường Đại học Tân Trào đã chính thức được thành lập đáp ứng lòng mong mỏi của toàn thể nhân dân các dân tộc trên quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử.

P.V: Xin đồng chí cho biết những khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu thành lập Trường Đại học Tân Trào?

Tiến sỹ Nguyễn Bá Đức: Có thể nói việc thành lập trường đại học trong giai đoạn này là rất khó khăn. Đầu tiên có thể kể đến là dư luận xã hội nói chung có nhiều ý kiến không đồng tình với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho thành lập nhiều trường đại học, chủ yếu là trường đại học dân lập sau khi thành lập không đảm bảo cam kết đầu tư đội ngũ và cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo thấp đã gây bức xúc trong xã hội.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường còn thiếu, giảng viên có trình độ thạc sỹ đủ quy định nhưng số tiến sỹ còn ít, chưa đáp ứng tiêu chí một trường đại học.

Thứ ba, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của trường còn thiếu, diện tích đất có 4,69 ha, trong khi đó đối với các trường công lập ít nhất cần có là 15 ha.

Thứ tư, đến tháng 5-2011 nhà trường vẫn là Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, chủ yếu đào tạo ngành sư phạm và một số ngành thuộc khối xã hội và nhân văn.

P.V: Vậy giải pháp khắc phục những khó khăn đó như thế nào, thưa đồng chí?

Tiến sỹ Nguyễn Bá Đức: Về đội ngũ, nhà trường xác định là quan trọng nhất và lâu dài nên đã có sự chuẩn bị từ đầu năm 2010, đến đầu năm 2012, nhà trường đã được UBND tỉnh điều động bổ sung thêm cán bộ có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ một số ngành nông lâm ngư nghiệp, kinh tế, như vậy, số giảng viên đào tạo đa ngành có trình độ cao cơ bản là đủ điều kiện.

Về diện tích đất đai và cơ sở vật chất là điều kiện bắt buộc để được thành lập trường đại học. Đầu năm 2012, trường đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch thêm cho trường 37 ha đất và chuyển 10 ha đất của Trung tâm giống vật nuôi cây trồng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trường để xây dựng Trung tâm thực nghiệm, thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ; đồng thời, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đầu tư kinh phí hàng năm mua sắm các trang thiết bị dạy và học hiện đại, đáp ứng tiêu chí trường đại học.

Để đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, năm 2011 nhà trường đã xây dựng đề án và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi tên trường sư phạm thành trường đa ngành, đồng thời nhà trường thực hiện xây dựng đề án mở thêm các mã ngành mới ngoài sư phạm, tính đến thời điểm có Quyết định thành lập đại học, nhà trường đã có 11 mã ngành đào tạo ngoài sư phạm bao gồm kinh tế, nông lâm nghiệp, quản lý đất đai, quản lý văn hóa…

P.V: Một trong những nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu thành lập Trường Đại học Tân Trào là phải có đội ngũ giảng viên đáp ứng tiêu chí trường đại học. Đồng chí cho biết, trường đã thực hiện nội dung này như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Bá Đức: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất và là nhiệm vụ lâu dài để khẳng định uy tín của trường đối với xã hội. Ngay từ năm học 2009 - 2010, nhà trường đã tổ chức hội nghị cán bộ viên chức thảo luận nhất trí tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện về thời gian cho cán bộ đi học nâng cao trình độ; có cơ chế tuyển dụng và hợp đồng với giảng viên trình độ cao. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện điều động cán bộ có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ nhiều ngành nghề khác nhau về trường công tác, giảng dạy đã tạo cho đội ngũ giảng viên của trường phát triển cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi đa ngành nghề đào tạo. Đến nay, trường có 91 giảng viên trình độ tiến sỹ, thạc sỹ, 31 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, 62 giảng viên đang học sau đại học. Trường phấn đấu đến năm học 2015 -2016, số giảng viên có trình độ tiến sỹ chiếm từ 15 - 20%, thạc sỹ trên 80%.

Thành lập Trường Đại học Tân Trào vừa là niềm tự hào vừa là trọng trách lớn lao của đội ngũ cán bộ, giảng viên toàn trường. Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề đòi hỏi toàn thể cán bộ, giảng viên thực sự phải nỗ lực, phấn đấu rèn luyện để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng niềm tin trong nhân dân, xứng đáng là trường đại học mang tên mảnh đất Tân Trào lịch sử. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trường Đại học Tân Trào sẽ tiến hành công tác đào tạo dựa trên chính đội ngũ, cơ sở vật chất hiện có và dự kiến sẽ được bổ sung thêm trong các năm tiếp theo.

Trước mắt, nhà trường có thể mở thêm mã ngành Khoa học cây trồng, Ngữ văn, Vật lý từ năm học 2013 - 2014 do đã đủ đội ngũ có trình độ theo quy định. Ngoài ra, nhà trường sẽ liên kết đào tạo các nhóm ngành Sư phạm; Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Kinh tế - Công nghệ. Năm học 2015 - 2016 và những năm tiếp theo, trường chuẩn bị đội ngũ giảng viên tiếp tục mở ngành Quản lý đất đai, Sinh học, Quản lý kinh tế, Tài chính ngân hàng...

Sau năm 2017, nhà trường thực hiện đào tạo sau đại học ở các ngành có khả năng và theo nhu cầu xã hội. Trên cơ sở đầu tư xây dựng đội ngũ với cơ cấu hợp lý cũng như xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nhà trường cơ bản có đủ điều kiện để đào tạo đại học các khối ngành theo lộ trình đã đề ra và đáp ứng quy mô đào tạo khoảng 12.800 sinh viên đại học vào năm 2020. Từ năm học 2014 - 2015 trở đi, trường dự kiến thành lập thêm các khoa, phòng như Khoa Văn hóa - Du lịch, Khoa Âm nhạc - Mỹ thuật, Khoa Sau đại học, Phòng Khảo khí - Đảm bảo chất lượng, Phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế...

Chặng đường phía trước tương đối nặng nề, thậm chí có cả thách thức nhưng với niềm tin và sự nỗ lực, đoàn kết của mỗi cán bộ, giảng viên, Trường Đại học Tân Trào sẽ khẳng định được uy tín trong nhân dân và vị thế ở khu vực, trong nước. Những giải pháp trước mắt và lâu dài đã được triển khai để đến năm 2020, Trường Đại học Tân Trào là trường đại học đa ngành chất lượng cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và hội nhập quốc tế, được xếp hạng trong số các trường đại học hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc. Đồng thời, là cơ sở nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc cũng như cả nước.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo TQĐT