QUẢNG TRỊ - DẤU ẤN ĐỂ LẠI
 
Ngày 17/4/2014, đoàn công tác của Trường Đại học Tân Trào do TS. Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn đã tới Quảng Trị dự Hội nghị Hiệu trưởng các trường trong cụm tổ chức chấm thi tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2014-2015.

Theo lịch trình chuyến công tác, đoàn đã đến thắp hương tại đài tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nằm bên bờ sông Thạch Hãn, tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong với các di tích trưng bày trong suốt thời gian hoạt động và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của ông. Đoàn cũng đã đến thăm Khu di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi mảnh đất thiêng này.   

 Toàn cảnh thị xã Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Tòa thành được xây dựng từ đầu thời vua Gia Long nhà Nguyễn, ở địa phận huyện Đăng Xương; năm thứ 8 dời đắp ở địa phận xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc. Lịch sử hiện đại đã ghi dấu ấn ở Thành cổ Quảng Trị bằng một cuộc chiến khốc liệt, bi hùng - đó là cuộc chiến Thành cổ vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. 81 ngày đêm, với hàng trăm nghìn tấn đạn bom trút xuống, đã gần như san phẳng toà thành cổ cùng cả thị xã Quảng Trị. Hàng ngàn con người đã ngã xuống nơi đây vì sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.

Góc thành cổ phía Nam với Tiền môn được phục dựng theo kiến trúc cũ

Thành cổ Quảng Trị được coi là ngôi nhà chung, nấm mồ chung của những chiến sỹ giải phóng. Quảng Trị có hàng chục nghĩa trang, nhưng có hai nghĩa trang không bia mộ, đó là Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn. Mặc dù bị bom đạn cày xới, phá hủy, song Thành cổ Quảng Trị vẫn là một trong những số rất ít thành cổ Việt Nam còn giữ được cấu trúc thành lũy rõ ràng với hệ thống tường thành, cổng thành, hào nước. Trong Thành cổ ngăn ngắt màu xanh của cỏ cùng hàng ngàn cây dừa. Thành cổ trở thành đất tâm linh, và dòng Thạch Hãn cũng là dòng sông tâm linh. Nơi đây là không gian thiêng liêng, là miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa.

Đài tưởng niệm trong thành cổ, nằm chính giữa thành, nhìn từ phía Nam

          Đến Quảng Trị, đoàn cũng đã ra thăm đảo Cồn Cỏ, nơi được mệnh danh là “Mắt thần trên Biển Đông”, “Chiến hạm không bao giờ bị chìm”. Đảo Cồn Cỏ (tên gọi khác là đảo Con Hổ, đảo Hòn Mệ) cách Cửa Việt 30km, cách Cửa Tùng 27km, với diện tích trên 27ha. Từ bãi biển Cửa Tùng nhìn ra phía tây, đảo nổi lên như một viên ngọc xanh lam giữa biển. Giữa vĩ tuyến 17 phía đông Tổ quốc, Đảo như một chiến hạm đang trấn giữ ngoài khơi. Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.

Đảo Cồn Cỏ nhìn từ xa

          Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía tây ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn tím nhạt chạy dài. Chính nhờ vị trí đó mà Cồn Cỏ giữ một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc đụng đầu lịch sử khi đất nước ta còn chia cắt hai miền Nam- Bắc. Đảo Cồn Cỏ có hình dạng tương đối tròn, giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên với chiều cao 63m. Thực vật trên đảo khá phong phú, đảo nhỏ nhưng vẫn có rừng, có đồi tranh rậm rạp với nhiều loài cây lạ mà trong đất liền không có.

Đài liệt sỹ trên đảo Cồn Cỏ

          Từ một hòn đảo nhỏ bị bom đạn cày xới không thương tiếc, đến nay đã có rất nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, có đường cấp phối. Từ đảo có thể liên lạc dễ dàng với đất liền bằng điện thoại. Các hạng mục hạ tầng cơ sở trên đảo đã và đang từng bước được hoàn thiện. Quân và dân trên đảo gần 500 người, trong đó có 14 hộ gia đình là dân thường sinh sống tại đảo. Theo chân đồng chí Lê Quang Lanh, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cồn Cỏ - người được mệnh danh là “Chúa đảo”, Đoàn công tác của trường Đại học Tân Trào đã thăm và tặng quà huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ. Đoàn cũng đã đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại đảo trong những năm kháng chiến tại đài liệt sĩ, thăm ngọn Hải đăng - mắt thần trên đảo.

Ngọn Hải đăng trên đảo Cồn Cỏ

Ra thăm đảo Cồn Cỏ mà chưa leo lên ngọn Hải đăng thì coi như chưa từng đến đảo. Để đến được Hải đăng chúng tôi đi bộ 4 km về hướng đông của đảo, sau đó leo bộ lên 100 bậc thang. Với độ cao 76m so với mực nước biển, từ Hải đăng có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp lý tưởng của đảo. 

Một góc biển đảo Cồn Cỏ

          Chia tay với đảo Cồn Cỏ, với Thành cổ, với những con người mộc mạc, nghĩa tình của mảnh đất Quảng Trị anh hùng, đoàn chúng tôi, ai ai cũng trào dâng trong lòng cảm xúc lưu luyến. Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, Quảng Trị vẫn đứng đó, kiêu hãnh, tự hào. Quảng Trị, một phần máu thịt của khúc ruột miền Trung đang cùng cả nước bước đi những bước vững vàng trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Một số hình ảnh của đoàn công tác

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại đài liệt sỹ Cồn Cỏ

Đoàn  công tác chụp ảnh lưu niệm cùng bí thư, chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ

Các hiệu trưởng chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường trong cụm tổ chức chấm thi

tuyển sinh đại học - cao đẳng năm học 2014 - 2015

TS. Nguyễn Bá Đức