Cả nước hiện đang thiếu hơn 113.000 giáo viên
 
Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục được giao bổ sung 27.826 biên chế giáo viên nhưng chỉ tuyển dụng được 19.474 nhà giáo, đạt gần 70% tổng chỉ tiêu.

Cấp mầm non và tiểu học tuyển được hơn 13.000 giáo viên

Theo báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi được Bộ Chính trị bổ sung 65.980 biên chế giai đoạn 2022-2026 cho ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn địa phương thực hiện việc tuyển dụng và quản lý, sử dụng số biên chế được giao; đồng thời, đổi mới quy trình giao biên chế và tổ chức tuyển dụng giáo viên của các địa phương bảo đảm tuyển dụng kịp thời số biên chế được giao chưa sử dụng.

Cụ thể, năm học 2022-2023, ngành giáo dục được bổ sung 27.850 biên chế; năm học 2023 - 2024 được bổ sung 27.826 biên chế.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyển dụng và đã đạt được kết quả nhất định. Cụ thể, năm học 2023 - 2024, tính đến tháng 4/2024, các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung.

Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Tính đến hết năm học 2023 - 2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 người (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 - 2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022 - 2023).

Bên cạnh đó, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và Chính phủ lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.

Trong đó, có một số điểm mới như: các vị trí việc làm giáo vụ, thư viện, thiết bị thí nghiệm, hỗ trợ giáo dục người khuyết tật điều chỉnh từ nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành; vị trí việc làm y tế chuyển sang nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; vị trí việc làm công nghệ thông tin được thay bằng vị trí việc làm quản trị công sở; bổ sung 01 vị trí việc làm tư vấn học sinh; vị trí việc làm “giáo vụ” cũng được xác định ở cấp học tiểu học, trung học cơ sở thay vì chỉ có ở cấp trung học phổ thông và trường chuyên biệt; đồng thời, quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Nhằm tạo hành lang pháp lý để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện, bảo đảm quyền lợi công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng quy định thang bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) đối với viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non).

giao_vien_y_te.jpg

Từ năm học 2023 - 2024, vị trí việc làm y tế chuyển sang nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai nghiên cứu chế độ phụ cấp ưu đãi viên chức ngành giáo dục và thực hiện rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách về chế độ tiền lương đối với viên chức các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức, triển khai bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức trong các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm báo cáo, cập nhật thông tin phục vụ thực hiện chính sách tiền lương mới và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại địa phương.

Đầu năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục năm 2023”. Chương trình là dịp để Bộ trưởng lắng nghe được nhiều nhất những suy nghĩ, những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm; bày tỏ được một cách trực tiếp nhất sự chia sẻ, động viên, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp trong cả nước, qua đó toàn ngành đồng lòng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ đông đủ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục trong cả nước. Chương trình được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và khoảng 40 nghìn điểm cầu tại địa phương, cơ sở giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, với sự tham dự của gần 1 triệu giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tăng ở 3 cấp học

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, so với năm học 2022 - 2023, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 ở các cấp học đều tăng. Trong đó, cấp mầm non tăng thêm 1,9%; cấp tiểu học tăng thêm 5,5%; cấp trung học cơ sở tăng thêm 2,9%.

Các địa phương đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo đúng quy định.

Từ năm học 2023 - 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kho học liệu số về bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trên hệ thống TEMIS để các địa phương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên trên cơ sở nhu cầu của giáo viên và điều kiện thực tế của địa phương.

Đội ngũ cán bộ quản lý phần lớn đều là các nhà giáo giỏi được điều động sang làm công tác quản lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, cơ bản đáp ứng được công tác lãnh đạo và quản lý ở các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục. Năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên, tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp hơn định mức

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học.

Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguyên nhân chủ yếu là do sức hút vào ngành còn hạn chế; tình trạng giáo viên nghỉ việc vẫn còn cao; nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù còn thiếu; việc tuyển dụng của các địa phương còn chậm, hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng.

Bên cạnh đó, số lớp học tăng do số lượng học sinh tăng dẫn đến nhu cầu giáo viên tăng; công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên từ cấp chiến lược đến các địa phương chưa sát, không theo kịp thực tế; biến động dân số, dịch chuyển lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật;…

Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, một bộ phận nhỏ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngại đổi mới, chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng thường xuyên nên việc bồi dưỡng còn hình thức, đối phó, thời gian dành cho việc tự học, tự bồi dưỡng còn hạn chế.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi.

Các mô đun bồi dưỡng thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2018 (15 mô đun với cán bộ quản lý; 18 mô đun với giáo viên) đến nay đã có những bất cập cần bổ sung, thêm mới để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

giaoduc.net.vn